Theo dõi trên

Giải quyết tốt tố cáo, khiếu nại về bầu cử

15/02/2016, 09:15 - Lượt đọc: 85

BT- Chỉ thị 51-CT/TW ngày 4/1/2016 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã đặt ra yêu cầu: Tổ chức tốt cuộc bầu cử lần này là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Vì vậy, việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới là một nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong năm 2016.

Để thực hiện được yêu cầu đó của Bộ Chính trị có nhiều việc phải làm, trong đó việc lãnh đạo và tổ chức thực hiện tốt việc giải quyết tố cáo, khiếu nại của công dân là hết sức quan trọng góp phần vào thành công của cuộc bầu cử. Nhằm tạo điều kiện cho công dân phản ánh, tố cáo những vấn đề có liên quan đến nhân sự bầu cử và công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, cấp ủy các cấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tiếp công dân. Nắm chắc tình hình tố cáo, khiếu nại đối với nhân sự giới thiệu bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, nhất là những nơi có biểu hiện nội bộ mất đoàn kết, có dấu hiệu vi phạm, có vấn đề phức tạp, bức xúc mà đảng viên, nhân dân quan tâm; người đứng đầu cấp ủy phải chỉ đạo làm rõ và giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người trước, trong và sau bầu cử.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ủy ban kiểm tra các cấp cần thực hiện kịp thời, có kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có liên quan để giải quyết tố cáo của đảng viên là nhân sự giới thiệu bầu đại biểu Quốc hội và HĐND thuộc cấp mình và tổ chức Đảng liên quan trực tiếp đến công tác bầu cử. Qua giải quyết tố cáo, phải kết luận đúng, sai, khuyết điểm hoặc vi phạm của đảng viên bị tố cáo; xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

Cùng với việc giải quyết tố cáo, khiếu nại, Ủy ban kiểm tra các cấp cần chủ động giám sát nắm chắc tình hình đảng viên và những người ngoài Đảng là nguồn nhân sự giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Chủ động phát hiện tổ chức Đảng và đảng viên có dấu hiệu vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, các quy định trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức cuộc bầu cử; vi phạm quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức không được làm để kiểm tra, kết luận, xử lý hoặc báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định. Nếu phát hiện trường hợp không đủ tiêu chuẩn để giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp thì chủ động cùng Hội đồng bầu cử và các cơ quan liên quan trao đổi, đề nghị Ban thường vụ cấp ủy cùng cấp xem xét, quyết định. Kiên quyết không để lọt và không đưa người không đủ tiêu chuẩn vào danh sách giới thiệu ứng cử bầu đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.

Thực tế cho thấy, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và HĐND không chỉ phụ thuộc vào cách thức tổ chức hoạt động chuyên nghiệp của Quốc hội, HĐND mà điều quan trọng hơn là phụ thuộc vào chính năng lực, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trước cử tri và nhân dân. Do đó, việc lựa chọn, giới thiệu đại biểu có đức, có tài là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và sự tham gia thiết thực hiệu quả của các tầng lớp nhân dân; việc lãnh đạo và tổ chức tốt giải quyết tố cáo, khiếu nại của đảng viên và nhân dân sẽ góp phần quan trọng vào thành công cuộc bầu cử, giúp lựa chọn được một đội ngũ cán bộ vừa “hồng” vừa “chuyên”, đủ sức gánh vác trọng trách trong nhiệm kỳ mới.

THẾ NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải quyết tốt tố cáo, khiếu nại về bầu cử