Theo dõi trên

Giãn cách xã hội - giải pháp đẩy lùi dịch Covid–19 hiệu quả

29/06/2021, 10:15 - Lượt đọc: 55

BT- Dịch Covid–19 bùng phát trở lại khiến cho nhiều tỉnh, thành phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 hoặc 16 của Thủ tướng Chính phủ (tùy tình hình của từng địa phương). Tại Bình Thuận, khi các ca nhiễm Covid–19 lây nhiễm trong cộng đồng xuất hiện trở lại, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của tỉnh đã áp dụng ngay việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ đối với 2 địa phương là TP. Phan Thiết và huyện Tuy Phong. 

Tháng 3/2020, dịch Covid–19 bùng phát mạnh, các ca lây nhiễm liên tục tăng nhanh ở nước ta (trong đó có tỉnh Bình Thuận) khiến người dân lo lắng. Trước tình thế cấp bách này, ngày 27/3/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 15 về việc quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19. Đến ngày 31/3/2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ra Chỉ thị 16 về việc thực hiện các giải pháp phòng chống dịch Covid-19, trong đó yêu cầu các cơ quan của Trung ương và 63 tỉnh, thành phải thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội trong vòng 15 ngày (kể từ ngày 1/4 đến hết ngày 15/4). Việc cách ly được thực hiện theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy phải đảm bảo khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định. Thủ tướng cũng yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra ngoài đường khi thật sự cần thiết, giữ khoảng cách tối thiểu 2m và không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi trường học, công sở, bệnh viện và tại nơi công cộng. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ ngành Trung ương và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của các tỉnh, thành, tình hình dịch Covid-19 ở nước ta trong thời gian này được kiểm soát khá tốt. Tính từ ngày 1/4/2020 đến ngày 15/4/2020, tức 15 ngày thực hiện Chỉ thị số 16 về giãn cách xã hội, cả nước chỉ ghi nhận 60 trường hợp mắc Covid-19, trong khi 15 ngày trước đó (từ ngày 16/3 đến hết ngày 31/3) cả nước có tới 150 người nhiễm Covid-19. Đối với Bình Thuận, thời điểm đó, nhờ thực hiện Chỉ thị 16 này mà tỉnh đã kiểm soát được dịch bệnh, 9/9 ca dương tính với dịch Covid-19 đã được chữa khỏi.

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng 4/2021 tại nhiều tỉnh, thành ở nước ta, đặc biệt là khi TP. Hồ Chí Minh liên tiếp xuất hiện các ca lây nhiễm, đặt Bình Thuận vào tình thế khẩn cấp, nguy cơ dịch xuất hiện và lây lan luôn thường trực. Bởi Bình Thuận gần với TP. Hồ Chí Minh nên lượng người và phương tiện di chuyển, cùng với các hoạt động giao thương, trao đổi hàng hóa, dịch vụ là rất lớn. Nhận định được tình hình, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch, trong đó phải kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện từ vùng dịch về và ngược lại. 68 trạm kiểm soát Covid-19 trên các tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 55, quốc lộ 28, 28B, các tuyến đường tỉnh, liên huyện, đường vào trung tâm cửa ngõ các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã được thành lập và đi vào hoạt động từ 0h ngày 31/5/2021. Các lực lượng gồm công an, quân sự, y tế… được giao nhiệm vụ kiểm soát y tế đối với người trên các phương tiện vận tải hành khách khi vào tỉnh, xác định lịch trình, đo thân nhiệt, kiểm tra và sàng lọc cách ly y tế nếu có nghi ngờ người nhiễm. Công tác trực chốt được thực hiện nghiêm túc 24/24h kể cả ngày thứ 7 và chủ nhật… Các phương tiện vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh, xe vận chuyển hành khách hợp đồng được yêu cầu không chở khách từ Bình Thuận đến các tỉnh có dịch và ngược lại. Người dân cũng được khuyến cáo không ra ngoài tỉnh trong thời điểm dịch ở các tỉnh, thành khác đang rất phức tạp…

Tuy nhiên, điều mà tất cả người dân Bình Thuận không mong muốn một lần nữa lại đến, khi dịch xuất hiện lại. Ngay khi phát hiện các trường hợp nghi nhiễm với virus SARS - CoV - 2, lãnh đạo UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp với ngành y tế và các đơn vị có liên quan triển khai công tác ứng phó với dịch bệnh. Yêu cầu đặt ra là phải kiểm soát nhanh chóng, không để dịch lây lan trên diện rộng. Trong đêm 23/6, khi phát hiện các ca nghi nhiễm, lực lượng chức năng lập tức tiến hành khử khuẩn, phong tỏa nơi ở, nơi làm việc của các trường hợp nghi nhiễm, đồng thời tiến hành truy vết, khoanh vùng các trường hợp tiếp xúc với những người này. Điều đó giúp cho ngành chức năng truy vết thần tốc, nhanh chóng những người liên quan đến các ca nhiễm Covid-19 khi Bộ Y tế công bố vào sáng 25/6. Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, TP. Phan Thiết cũng đã tiến hành lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ từ 12h trưa 24/6 và từ 0h ngày 25/6 đối với huyện Tuy Phong; thời gian giãn cách 14 ngày. Cùng với tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, cán bộ các xã, phường, thị trấn đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để nhắc nhở người dân hạn chế ra đường, tránh tụ tập đông người, chấp hành quy định phòng chống dịch. Nhiều hàng quán bán đồ ăn thức uống, quán cà phê, quán nhậu tạm đóng cửa, ngưng hoạt động; những hàng quán mở cửa thì chỉ bán cho khách mang về, không phục vụ ăn uống tại chỗ. Riêng các dịch vụ không cần thiết như karaoke, quán ba, vũ trường, massage… tiếp tục tạm dừng hoạt động. Tất cả vì mục tiêu chung là để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng xã hội, ngăn chặn dịch lây lan.

Thực hiện giãn cách xã hội, có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt, phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Thế nhưng, trong tình hình dịch bệnh đang trong thời điểm vô cùng phức tạp, việc thực hiện giãn cách là hết sức cần thiết để kiểm soát, ngăn chặn dịch lây lan trên diện rộng. Hy vọng rằng, với sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, tinh thần và ý thức chung của người dân trong việc chấp hành chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận sẽ được đẩy lùi.

Xuân Huy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giãn cách xã hội - giải pháp đẩy lùi dịch Covid–19 hiệu quả