Theo dõi trên

“Hậu Formosa”

08/07/2016, 11:05

BT- Tuần qua, liên tiếp các sự kiện liên quan đến môi trường, từ tuyên bố quyết liệt đóng cửa rừng tự nhiên trên phạm vi toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ, đến tuyên bố nhận trách nhiệm và xin lỗi của Công ty Formosa Hà Tĩnh về thảm họa cá chết ở 4 tỉnh miền Trung Việt Nam. Khó mà đong đếm được cái giá của 500 triệu USD bồi thường ấy.

Có lẽ bài học thấm thía nhất cho các bộ, ngành, địa phương, đó là không được phép đánh đổi môi trường lấy đầu tư. Nếu chúng ta xử lý không tốt mối quan hệ giữa môi trường và phát triển, không cân nhắc kỹ giữa lợi ích ngắn hạn và dài hạn, lợi ích của một nhóm người và lợi ích toàn cục, thì tất yếu sẽ dẫn đến những Vedan, Formosa…

Bài học thứ hai đó là phải đặt lên hàng đầu việc đánh giá tác động môi trường đối với mỗi dự án. Lâu nay do chạy theo tăng trưởng, hoặc bị lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng chi phối, dẫn tới tình trạng xem nhẹ đánh giá tác động môi trường, chỉ làm cho có lệ. Từ nay việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của từng dự án phải cực kỳ nghiêm ngặt, khắt khe. Dư luận yêu cầu Chính phủ không chỉ xử nghiêm doanh nghiệp hủy hoại môi trường, mà còn phải xử thật nghiêm các quan chức dung túng, tiếp tay cho doanh nghiệp phá hoại môi trường.

Ở Bình Thuận, tuần qua dư luận cũng “nóng” lên sau sự cố vỡ hồ chứa nước đãi titan của Công ty Tân Quang Cường (bởi đây không phải lần đầu tiên và có lẽ chưa phải vụ cuối cùng).

Với trữ lượng khoảng 599 triệu tấn, chiếm 92% tổng trữ lượng và tài nguyên quặng titan của Việt Nam, Bình Thuận đã được quy hoạch thành trung tâm công nghiệp khai thác, chế biến titan của cả nước. Tuy nhiên hoạt động khai thác titan mới ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, trên tầng mặt, nhưng đã gây ra nhiều hệ lụy môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống người dân vùng dự án, khiến dư luận lo ngại.

Cú sốc Formosa làm thức tỉnh nhận thức của chúng ta về môi trường. UBND tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên – Môi trường khẩn trương rà soát, đánh giá sâu kỹ tác động của việc cấp các giấy phép khai thác titan trên địa bàn tỉnh Bình Thuận trong thời gian qua và thời gian tới, phù hợp với điều kiện đặc thù của Bình Thuận là: khô hạn, nắng gió nhiều, nguồn nước mặt, nước ngầm khan hiếm, các mỏ titan đều nằm ven biển, gần các khu dân cư, khu du lịch, có địa hình cao hơn các khu dân cư xung quanh…

UBND tỉnh cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên – Môi trường trong quá trình cấp phép khai thác titan, cần đánh giá kỹ nhu cầu thị trường, để có tiến độ cấp phép khai thác phù hợp, đảm bảo các dự án khai thác khoáng sản đạt hiệu quả, tránh lãng phí một nguồn tài nguyên quý hiếm của quốc gia. Nơi nào chưa đủ điều kiện khai thác, thì đưa vào dự trữ quốc gia theo quy định của Luật Khoáng sản.

Tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên – Môi trường phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức thanh tra toàn diện dự án khai thác titan của Công ty Tân Quang Cường, kể từ khi được Bộ Tài nguyên – Môi trường cấp phép khai thác đến nay, làm rõ các sai phạm của công ty và tính khả thi về thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt; khả năng cung cấp nước cho khai thác, an toàn của khu vực mỏ… trường hợp có vi phạm nghiêm trọng, hoặc việc khai thác mỏ không khả thi, không an toàn, thì kiên quyết thu hồi giấy phép khai thác đã cấp.

Đúng là trách nhiệm của ngành tài nguyên – môi trường không hề nhỏ, nhất là ở thời kỳ “hậu Formosa”.

Khôi Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Hậu Formosa”