Theo dõi trên

Hướng đi cho xuất khẩu

05/12/2017, 09:22

BT- Trong những năm qua, xuất khẩu của Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của đất nước. Xuất khẩu tăng trưởng với nhịp độ khá cao. Chỉ tính trong 11 tháng năm 2017,  kim ngạch xuất đạt 193,8 tỷ USD, vượt xa cả năm 2016. Với tốc độ này, xuất khẩu cả năm 2017 hoàn toàn có thể xác lập kỷ lục mới trên 210 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2016 và tăng gấp 2,8 lần tăng trưởng GDP. Đối với Bình Thuận, xuất khẩu hàng hóa những năm gần đây cũng đạt được những những kết quả nhất định, dự kiến năm 2017 đạt 385 triệu USD, tăng 10,8% so với năm 2016.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình xuất khẩu của nước ta nói chung và Bình Thuận nói riêng cũng đang tồn tại nhiều khó khăn và chịu nhiều áp lực. Đó là những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm gia công và nguyên liệu thô; giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu còn thấp, các mặt hàng như nông sản, hàng dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ là những ngành sử dụng lao động lớn… Bình Thuận còn có những hạn chế nữa là tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chậm hơn và lượng hàng hóa, kim ngạch xuất khẩu chỉ chiếm 0,18% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam với mục tiêu đến năm 2020 nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của các mặt hàng đang có lợi thế xuất khẩu; giá trị gia tăng của các mặt hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu chủ lực tăng bình quân 20% so với hiện nay; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 8%/năm thời kỳ 2016 - 2020. Để góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước, đồng thời tái cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, Bình Thuận đề ra chỉ tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 10%, để đến năm 2030 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 1 tỷ USD.

Hiện nay, Bình Thuận có những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu khá như thủy sản (142 triệu USD/năm); hàng nông sản như thanh long, mủ cao su, hạt điều (15,5 triệu USD); hàng may mặc (151 triệu USD); giày dép (43 triệu USD)… Thời gian tới cần phải tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng lợi thế này đồng thời gia tăng một số mặt hàng tiềm năng như mủ trôm, nguyên phụ liệu may mặc, các sản phẩm chế biến từ sa khoáng titan…

Nông, thủy sản là một trong những lợi thế của Bình Thuận, nhưng những năm qua xuất khẩu chưa ổn định, kim ngạch thấp. Để việc xuất khẩu mặt hàng này đúng với tiềm năng và lợi thế, thiết nghĩ cần tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tổ chức sản xuất theo hướng bền vững; chú trọng phát triển vùng sản xuất nông, thủy sản hàng hóa tập trung theo quy hoạch, gắn với ứng dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất tiên tiến từ sản xuất đến khai thác, bảo quản, chế biến, đóng gói, nhằm tạo nguồn nguyên liệu dồi dào cho chế biến, xuất khẩu. Cùng với đó có chính sách khuyến khích, thu hút các dự án đầu tư phát triển chế biến xuất khẩu, nhất là chế biến sản phẩm giá trị gia tăng như đồ hộp, hàng khô cao cấp, sản phẩm ăn nhanh… Khuyến khích đầu tư xây dựng công trình trực tiếp phục vụ xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản như cơ sở chiếu xạ, nhà máy xử lý nhiệt, các trung tâm mua bán, nhà máy đóng gói, chế biến, kho lạnh bảo quản…

Đối với nhóm hàng công nghiệp, tập trung đôn đốc, tạo điều kiện và hỗ trợ các chủ đầu tư trong công tác chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp, các dự án sản xuất hàng xuất khẩu như nhà máy sản xuất dây khóa  kéo, xí nghiệp may, các cơ sở chế biến sâu quặng titan. Thu hút hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cho các mặt hàng xuất khẩu và các ngành có tiềm năng xuất khẩu.

Khuyến khích các tổ chức khoa học và công nghệ liên kết với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng đang và sẽ là lợi thế xuất khẩu của tỉnh để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực. Tạo thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực có khả năng tạo đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm.

THẾ NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hướng đi cho xuất khẩu