Theo dõi trên

Kế thừa và phát triển

13/10/2017, 08:20

BT- Tiếp nối lễ hội Trung thu vừa diễn ra vào đầu tháng 10 (dương lịch), Bình Thuận lại chuẩn bị Tết Katê và lễ hội Katê tại tháp PoshaInư (Phan Thiết). Katê là lễ hội đặc sắc nhất của cộng đồng người Chăm Bình Thuận được tổ chức mỗi năm một lần, vào ngày 1 tháng 7 Chăm lịch (khoảng tháng 10 dương lịch).

Những năm gần đây, theo đà phát triển mạnh mẽ của du lịch, các lễ hội truyền thống ở Bình Thuận cũng được phục hồi, ngoài mục đích bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa, còn để phục vụ phát triển du lịch, thu hút du khách đến Bình Thuận. Theo đó các lễ hội truyền thống tiêu biểu gắn với tín ngưỡng tôn giáo của các tộc người ở Bình Thuận như: Nghinh Ông, Katê, Cầu Ngư, Dinh Thầy Thím, trung thu… đã được đầu tư nâng tầm, tổ chức định kỳ thường niên hoặc 2 năm một lần.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các giá trị di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn, gìn giữ qua các lễ hội truyền thống là rất đáng trân trọng. Hiệu quả của chủ trương này không đo đếm được bằng tiền, mà bằng các giá trị có tính trường tồn hơn nhiều.

Mặt tích cực khác là các lễ hội truyền thống ở Bình Thuận không bị biến tướng, “thị trường hóa” theo kiểu “buôn thần bán thánh”, hay nhuốm màu bạo lực, dung tục, mê tín dị đoan, phản cảm gây bức xúc dư luận như ở nhiều nơi khác. Lễ hội ở Bình Thuận căn bản giữ được nét trong sáng, hồn nhiên, do các đơn vị, địa phương tổ chức lễ hội đều không đặt nặng vấn đề kinh doanh. Trong bối cảnh bát nháo lễ hội hiện nay, giữ được nét hồn nhiên, trong sáng cho lễ hội truyền thống thật đáng trân quý.

Nhưng sẽ là quá sớm nếu nói Bình Thuận đã nâng tầm các lễ hội truyền thống thành các sản phẩm du lịch, để thu hút du khách. Tại hội thảo “Đánh giá, bảo tồn, phát huy giá trị các lễ hội văn hóa tiêu biểu của Bình Thuận để phát triển du lịch” vừa diễn ra, nhiều đại biểu nhìn nhận: sức hút của Bình Thuận với du khách vẫn chủ yếu là biển. Các lễ hội đa phần tổ chức còn đơn điệu, đôi khi nhàm chán và lạc hậu theo kiểu “bình cũ, rượu cũ”, chưa thật sự thu hút du khách đến Bình Thuận. Thực tế du khách đến vào dịp lễ hội không nhiều, điều này góp phần lý giải vì sao các khách sạn, nhà hàng, resort không hào hứng tham gia lễ hội (như lễ hội trung thu vừa diễn ra chẳng hạn).

Nhắc đến trung thu, giờ nhiều trẻ em Phan Thiết không muốn đi xem lễ hội rước đèn nữa, vì “không đi cũng biết thế nào rồi”! Bao năm nay lễ hội trung thu vẫn chỉ là huy động số đông học sinh đi diễu hành trên vài tuyến đường rồi giải tán. Chỉ một đêm “lung linh” mà tốn kém bao tiền bạc đóng góp của phụ huynh học sinh. Không chịu đổi mới, sáng tạo, thì sẽ đến lúc lễ hội trung thu chỉ còn là “ngày hội” của các cơ sở làm lồng đèn.

Lễ hội Trung thu

Có ý kiến rằng: Lễ hội trung thu ở Phan Thiết từng được công nhận là “lễ hội trung thu lớn nhất Việt Nam”. Tại sao không mời một số quốc gia cùng nét tương đồng văn hóa cùng tổ chức lễ hội trung thu như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Campuchia… tham dự, để nâng tầm quốc tế của lễ hội, từ đó thu hút du khách (như lễ hội pháo hoa quốc tế của Đà Nẵng chẳng hạn).

Kế thừa và phát triển là quy luật tiến lên tất yếu của nhân loại. Kế thừa mà không phát triển thì lễ hội truyền thống cũng đơn điệu, mai một dần. “Bình” cũ, “rượu” cũng cũ, thì còn gì vui?

Khôi Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kế thừa và phát triển