Theo dõi trên

Khắc phục bất cập trong khai thác tài nguyên khoáng sản

19/05/2016, 09:02

BT- Bình Thuận  là tỉnh có danh mục tài nguyên khoáng sản phong phú, trong đó một số loại có trữ lượng rất lớn như titan, nước khoáng, sét, đá xây dựng, cát thủy tinh… có giá trị thương mại và công nghiệp rất cao. Trong các năm gần đây việc quản lý hoạt động khai thác khoáng sản đã dần đi vào nề nếp.

Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn nhiều bất cập trong quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản như một số đơn vị được cấp phép thực hiện chưa đầy đủ các nội dung, khai thác không đúng thiết kế mỏ, khai thác khi chưa hoàn tất thủ tục thuê đất, thực hiện không đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường trong và sau khai thác khoáng sản. Cùng với đó là tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, vận chuyển, tàng trữ, mua bán khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp vẫn còn diễn ra làm ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, gây nguy cơ mất an toàn một số công trình hạ tầng kỹ thuật, thất thoát tài nguyên và thu ngân sách. Tình trạng này đã được dư luận xã hội quan tâm và một số cơ quan báo chí phản ánh, nhất là trong những tháng đầu năm 2016.

Tình hình trên cho thấy công tác quản lý hoạt động khoáng sản, sự phối hợp giữa các ngành chức năng và các địa phương chưa thật sự chặt chẽ, thậm chí có biểu hiện buông lỏng, làm ngơ, cho phép khai thác, tận dụng khoáng sản không đúng thẩm quyền. Mặt khác do xuất phát từ nhu cầu thực tế rất cao trong sử dụng cát xây dựng, cát bồi nền, khoáng sản làm vật liệu san lấp, sét cho sản xuất gạch ngói... trong lúc giấy phép cấp rất hạn chế, từ đó phát sinh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, tận dụng khoáng sản khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép ở nhiều nơi, nhiều lúc trên địa bàn tỉnh.

Để khắc phục những bất cập và đưa hoạt động khai thác khoáng sản đi vào nền nếp, hiệu quả trong thời gian tới, thiết nghĩ các sở, ban, ngành, trước hết là Sở Tài nguyên và Môi trường với trách nhiệm chính của mình cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động khoáng sản; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khoáng sản đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế xã hội; kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất trên địa bàn sử dụng nguyên liệu hợp pháp phục vụ sản xuất nhằm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, việc buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ...

Cùng với các biện pháp kiểm tra, xử lý các vi phạm, tỉnh cần  có chính sách cụ thể nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đủ năng lực đầu tư một cách có hiệu quả, nhất là khai thác, sử dụng triệt để, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản; đồng thời bảo vệ môi trường, môi sinh trong quá trình khai thác, đạt mục tiêu phát triển bền vững; đầu tư các dự án chế biến sâu khoáng sản…

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu và thực hiện quyền làm chủ của mình đối với tài nguyên quốc gia. Xây dựng cơ sở pháp lý để tăng cường vai trò tham gia trực tiếp của người dân, đặc biệt là vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở các cấp vào quá trình đánh giá tác động môi trường của tất cả các dự án khai thác tài nguyên khoáng sản; có đại diện cộng đồng tham gia vào Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; được phép giám sát công tác bảo vệ môi trường trong suốt quá trình xây dựng dự án cũng như khi dự án đi vào hoạt động.

UBND các huyện, thị, thành phố cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; vận động người dân không tiếp tay cho các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, đặc biệt ở các khu vực giáp ranh; tổ chức thường xuyên các đoàn kiểm tra liên ngành của huyện, của xã để kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác trái phép khoáng sản.

THẾ NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
“Tai mắt” đặc biệt ở khu dân cư
Vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là môi trường biển là nhiệm vụ cấp thiết ở Hàm Tiến - một phường trọng điểm về du lịch của TP. Phan Thiết. Không chỉ ra quân dọn rác, việc dọn rác từ trong ý thức người dân, doanh nghiệp cùng chung tay mới giải quyết được vấn đề “dọn rác từ gốc”…
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khắc phục bất cập trong khai thác tài nguyên khoáng sản