Theo dõi trên

“Không để ai bị bỏ lại phía sau”!

09/04/2020, 10:15 - Lượt đọc: 3

BT- Đại dịch Covid-19 không chỉ tác hại đến sức khỏe, tính mạng con người mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội và nền kinh tế của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Covid-19, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Đến ngày 8/4 có 210 quốc gia/vùng lãnh thổ trên toàn cầu đã nhiễm dịch với 1.363.123 người mắc; 76.383 người tử vong. Trong đó Việt Nam có 251 người mắc (chưa có ca tử vong). Việt Nam, một trong những quốc gia được quốc tế công nhận có nhiều thành công trong phòng, chống đại dịch Covid-19. Không chỉ bước đầu thành công về công tác phòng, chống dịch, Việt Nam còn quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau” do tác hại của trận đại dịch này!

 Bên cạnh nhiệm vụ cấp bách là phòng, chống dịch bệnh, thì vấn đề bảo đảm an sinh xã hội để bảo đảm cuộc sống tối thiểu, tái sản xuất sức lao động cho người dân cũng cấp bách không kém đã được Đảng và Chính phủ ta đặc biệt quan tâm. Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong cuộc họp Chính phủ, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người yếu thế trong xã hội, những người có thu nhập thấp, mất việc. Do đó, Nhà nước, với các nguồn lực khác nhau, phải tìm mọi cách để hỗ trợ các đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn, bảo đảm cuộc sống tối thiểu, không để “đói cơm lạt muối” cũng như dưỡng sức cho người lao động để tiếp tục công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tại cuộc họp bàn về dự thảo nghị quyết các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; các thành viên Chính phủ đã thảo luận cụ thể về mức hỗ trợ, thời gian, nguồn và đối tượng hỗ trợ. Các ý kiến đều cho rằng hỗ trợ trực tiếp và càng sớm thì càng tốt. Đối tượng hỗ trợ là người dân bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch bệnh. Chú ý việc có còn thiếu nhóm đối tượng nào gặp nhiều khó khăn nhưng chưa thuộc diện hỗ trợ hay không với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Trên tinh thần trên, Chính phủ sẽ ra nghị quyết hỗ trợ cho 6 nhóm đối tượng, gồm: Các đối tượng là người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia; các đối tượng là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp; các đối tượng là hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh; các đối tượng là người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm…

Về nguồn để sử dụng cho việc hỗ trợ, sẽ từ các nguồn, như từ tiết kiệm chi thường xuyên, giảm chi cho hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài, giảm tổ chức các lễ hội… Bên cạnh đó, có nguồn từ tăng thu 2019 và sử dụng nguồn dự phòng ngân sách năm 2020 và các nguồn hợp pháp khác.

Nghị quyết sẽ sớm được ban hành, vì như Thủ tướng đã nói “cuộc sống người dân không thể chờ đợi hơn”, do đó Bình Thuận cũng cần chuẩn bị các khâu, chú trọng triển khai theo đúng tinh thần của nghị quyết Chính phủ. Đó là, chỉ hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập; mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19 gây ra như nghị quyết quy định. Khi triển khai phải tuân thủ nguyên tắc bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi từ chính sách.    

Huỳnh Thanh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Không để ai bị bỏ lại phía sau”!