Theo dõi trên

Không để khiếu tố, tranh chấp thành điểm nóng, phức tạp

22/02/2016, 16:34

BTO- Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì Bình Thuận cùng với các tỉnh thành như thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Cần Thơ, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Đồng Nai, Kiên Giang và Tây Ninh có nhiều đơn thư khiếu nại, tranh chấp đất đai nhiều nhất của cả nước và chiếm khoảng 70% đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua có rất nhiều vụ việc khiếu nại, tranh chấp liên quan đến đất đai. Nhiều trường hợp khiếu nại có liên quan đến việc Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, như đòi được bồi thường đất ở, nâng giá bồi thường, tăng tiền hỗ trợ, bố trí tái định cư, giải quyết việc làm; đòi lại đất cũ, tranh chấp đất đai, nhà ở… Riêng tranh chấp đất đai trong năm 2015 toàn tỉnh có 819 đơn (chiếm 100% đơn tranh chấp). Về nội dung tố cáo, chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức làm sai chính sách, tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng cơ bản, thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại…

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khiếu nại, tranh chấp liên quan đến đất đai nhiều là do cơ chế, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực quản lý đất đai còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tế, chưa chú ý đúng mức quyền lợi và chưa bảo đảm được cuộc sống ổn định của người dân có đất bị thu hồi. Thời gian gần đây, Nhà nước thu hồi đất giao cho các nhà đầu tư thực hiện dự án đường giao thông, công trình thủy lợi, quy hoạch đô thị nhưng chính sách liên quan đến lợi ích người sử dụng đất còn nhiều bất cập, giá đất thường xuyên thay đổi, có sự chênh lệch quá lớn giữa giá bồi thường với giá thị trường trong cùng thời điểm nên người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, mặt dù đã được tính đúng, tính đủ theo quy định. Mặt khác, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế nên có những yêu cầu, đòi hỏi không đúng hoặc vượt quá quy định pháp luật. Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý Nhà nước ở một số địa phương còn nhiều yếu kém, nhất là công tác quản lý đất đai.

Xác định việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp liên quan đến đất đai là rất phức tạp, nên thời gian qua các cấp, các ngành có liên quan đã tập trung chỉ đạo giải quyết. Riêng trong năm 2015, qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã khôi phục quyền lợi hợp pháp và hỗ trợ cho công dân trên 1.485 triệu đồng, 14.936 m2 đất; thu hồi cho Nhà nước gần 100 triệu đồng và 3,5 ha đất lấn chiếm; thống nhất với chủ dự án hỗ trợ 196 triệu đồng để cấp 4 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bán 1 lô đất theo giá quy định của UBND tỉnh…

Trong thời gian tới, cùng với sự phát triển kinh tế- xã hội, nhất là việc đầu tư các dự án dân cư, khu du lịch ven biển, dự báo tình hình khiếu kiện của công dân khiếu nại, tố cáo sẽ tiếp tục phát sinh phổ biến trong lĩnh vực đất đai, tập trung nhiều ở địa phương, địa bàn thu hồi nhiều đất của dân để thực hiện các dự án. Mặt khác Luật Đất đai 2013 đã có hiệu lực thi hành, một số quy định chính sách liên quan khá thông thoáng theo hướng có lợi cho người sử dụng đất, các đối tượng “Hội dân oan” sẽ lợi dụng kích động số người  khiếu kiện chây lỳ, kể cả các vụ việc đã được tỉnh và Trung ương ban hành các quyết định giải quyết đúng luật, thấu tình, đạt lý nhưng vẫn lôi kéo đông người, gửi đơn thư vượt cấp và gửi đến nhiều cơ quan, nhất là trước, trong và sau cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa và HĐND sắp tới.

Vì thế các địa phương và các ngành liên quan của tỉnh cần phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý đất đai, công tác thanh tra kiểm tra thực hiện các chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải quyết các vướng mắc trong việc đền bù, giải tỏa để làm giảm số lượng đơn thư khiếu tố liên quan đến lĩnh vực này. Người đứng đầu các địa phương và các ngành có liên quan phải dành thời gian thích đáng cho công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tăng cường đi cơ sở, tập trung giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp tại những nơi xảy ra vụ việc, không để khiếu kiện vượt cấp lên tỉnh, Trung ương và phát sinh thành điểm nóng gây phức tạp về an ninh và trật tự xã hội.

THẾ NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không để khiếu tố, tranh chấp thành điểm nóng, phức tạp