Theo dõi trên

Không để tà đạo tác oai tác quái

04/05/2018, 09:53

BT- Đập bỏ bát hương, không chịu thờ cúng ông bà tổ tiên nữa; bỏ học, bỏ nhà, bỏ bê công việc đi theo Hội thánh đức chúa trời; chối bỏ công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, dứt tình vợ chồng gây nên cảnh nhà tan cửa nát... Tuần qua dư luận và báo chí thực sự “nóng” lên vì những tác động tiêu cực của cái gọi là Hội thánh đức chúa trời tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Ảnh minh họa. IT

Ở Bình Thuận, hội viên Hội thánh đức chúa trời tự xưng “sứ giả được chúa trời phái xuống” đã làm quen, rủ rê, lôi kéo nhiều người dân ở thị xã La Gi, ráo riết truyền đạo trái phép. Đã có những nạn nhân đầu tiên: một người chồng, người cha bỗng dưng trở nên cộc cằn đánh chửi vợ con và nhất quyết đòi bán nhà đi theo Hội; một cô gái ngoan hiền bỗng dưng bỏ nhà đi biền biệt, mỗi lần về nhà lại đòi đập bát hương, quẳng bàn thờ; một em sinh viên năm cuối bỗng bỏ học đi theo Hội, từ đó ngày gia đình có giỗ em không dự, không ăn và ngăn cản gia đình thờ cúng...

Đành rằng cần có sự kiểm chứng cẩn thận, không nên vội vàng quy chụp đối với một hiện tượng xã hội mới du nhập vào Việt Nam. Nhưng từ tâm sự của những người cha, người mẹ, những phụ huynh có con là tín đồ tham gia Hội thánh đức chúa trời. Từ tâm sự của những người đã từng tham gia, hay gia đình có người thân tham gia Hội này. Dư luận thực sự lo ngại trước các tác động tiêu cực, đi ngược lại văn hóa, đạo đức, phong tục người Việt của thứ “tôn giáo” này.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của nhiều dân tộc châu Á, trong đó có Việt Nam, thể hiện lòng thành kính với vong linh người đã khuất. Đối với người Việt, phong tục thờ cúng tổ tiên gần như một thứ tôn giáo, dù giàu-nghèo thì đa phần gia đình nào cũng có bàn thờ gia tiên trong nhà, kèm theo di ảnh ông bà cha mẹ đặt ở nơi trang trọng nhất. Cùng với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, người Việt đặc biệt coi trọng việc cúng giỗ vào ngày mất (thường tính theo âm lịch). Không chỉ ngày giỗ, việc cúng kính tổ tiên còn được thực hiện đều đặn vào các ngày mồng một, ngày rằm, Tết Nguyên đán... Hoặc khi trong nhà có chuyện đại sự như: dựng vợ gả chồng, sinh con, làm nhà, đi xa, thi cử... người Việt cũng dâng hương cúng tổ tiên để báo cáo, cầu tổ tiên phù hộ, hoặc để tạ ơn khi công việc thành công. Đây là phong tục và nét văn hóa vô cùng quan trọng của người Việt từ ngàn năm nay.

Việt Nam bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng đối với mọi người dân, nhưng cũng nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm trật tự an toàn, đạo đức xã hội. Ban Tôn giáo Chính phủ đã kêu gọi nhân dân cảnh giác trước các hành động dụ dỗ lôi kéo bằng vật chất, những lời tuyên truyền lừa bịp về ngày tận thế, về sự cứu rỗi của đấng linh thiêng, từ bỏ gia đình, công việc và cuộc sống hiện thực.

Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng có văn bản gửi các trường học cảnh báo học sinh, sinh viên về tổ chức tự xưng Hội thánh đức chúa trời, nhằm ngăn ngừa học sinh, sinh viên bị lôi kéo vào các hoạt động vi phạm trật tự an toàn, đạo đức xã hội, cảnh giác không nghe theo lời dụ dỗ của Hội này.

Chính quyền, công an nhiều tỉnh, thành đã vào cuộc đấu tranh ngăn chặn hoạt động tôn giáo trái phép này. Các tổ chức đoàn thể như thanh niên, phụ nữ cũng không thể đứng ngoài cuộc, để mặc cho tà đạo này rủ rê, lôi kéo chị em phụ nữ và các em học sinh, sinh viên.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không để tà đạo tác oai tác quái