Theo dõi trên

Không để thanh tra, kiểm tra là nỗi “ám ảnh” của doanh nghiệp

12/06/2017, 08:38

BT- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp là một trong những nhiệm vụ, giải pháp cần được quan tâm thực hiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 35 (ngày 16/5/2016) của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Qua 1 năm triển khai tại Bình Thuận, nội dung này đã được UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành, huyện - thị - thành phố tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động theo những quyền kinh doanh đã được pháp luật quy định, không hình sự hóa quan hệ kinh tế. Mặc khác địa phương cũng xử lý nghiêm những doanh nghiệp vi phạm pháp luật, gian lận thương mại, buôn lậu, trốn thuế, buôn bán hàng cấm, hàng giả… để đảm bảo bình đẳng và quyền lợi của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Qua 1 năm triển khai, Thanh tra tỉnh đã hướng dẫn, điều phối công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp của các sở ngành, địa phương thực hiện khá tốt Quy chế phối hợp theo chỉ thị và quyết định của UBND tỉnh về vấn đề này. Qua đó góp phần giữ vững kỷ cương hành chính, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng trong sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Bình Thuận. Như Sở Kế hoạch - Đầu tư phối hợp các sở, ngành liên quan thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp kiểm tra doanh nghiệp sau đăng ký thành lập theo Quyết định 66 của UBND tỉnh. Trong khi đó Sở Công Thương tổ chức hơn 1.660 lượt kiểm tra, kiểm soát thị trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành gần 370 lượt kiểm tra và 17 cuộc thanh tra về an toàn thực phẩm…

Tuy nhiên theo đánh giá thì công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn chồng chéo, trùng lắp mà nhất là đối với thanh tra chuyên ngành. Cũng có ý kiến than phiền công tác thanh tra còn nặng về xử phạt, chưa thực sự chú trọng đến uốn nắn hay nhắc nhở, hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ và thực hiện đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra số cuộc thanh tra đối với doanh nghiệp cũng còn nhiều, đây đó vẫn có hiện tượng cán bộ lợi dụng công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để trục lợi… Liên quan vấn đề này, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Bình Thuận cho rằng văn bản pháp luật hiện hành vừa chồng chéo, vừa khó hiểu nên doanh nghiệp dễ bị sai “không cố ý”. Thế nhưng việc thanh tra, kiểm tra thì chủ yếu tìm lỗi để phạt là chính, có doanh nghiệp cảm nhận dường như thanh tra, kiểm tra mà không tìm ra lỗi sẽ bị nghi ngờ (!?).

Có lẽ không riêng gì ở Bình Thuận, mà nỗi “ám ảnh” của doanh nghiệp về thanh tra, kiểm tra đang là thực trạng chung của các tỉnh, thành trong cả nước. Tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp vừa được tổ chức trong tháng 5/2017 vừa qua, lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng phản ảnh bằng số liệu dẫn chứng cụ thể. Theo đó, kết quả khảo sát của VCCI cho thấy: Có 37% số doanh nghiệp thuộc diện khảo sát được thanh tra, kiểm tra trong năm 2016, tuy nhiên vẫn còn gần 14% doanh nghiệp bị kiểm tra từ 4 lần trở lên. Trong số những doanh nghiệp có từ 2 cuộc kiểm tra trở lên thì hơn 50% lượt doanh nghiệp cho rằng các cuộc kiểm tra còn có những nội dung giống nhau. Đáng chú ý trong các đợt kiểm tra liên ngành, nhất là đối với doanh nghiệp chế biến thực phẩm đang trở thành gánh nặng do phải chịu giám sát của nhiều bộ ngành, các cấp chính quyền địa phương…

Dù nền kinh tế dần chuyển biến tích cực, song cộng đồng doanh nghiệp nói chung vẫn còn không ít khó khăn, đặc biệt là với những doanh nghiệp có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ ở địa phương. Chính vì vậy để thể hiện quyết tâm đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì ngay sau hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017, Chỉ thị 20 đã được ban hành với nội dung không kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần/năm… Đó thực sự là một “món quà” dành cho doanh nghiệp và nếu các địa phương nghiêm túc thực hiện thì chuyện thanh tra, kiểm tra sẽ không còn là nỗi “ám ảnh” của những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

QUỐC TÍN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không để thanh tra, kiểm tra là nỗi “ám ảnh” của doanh nghiệp