Theo dõi trên

Lại bán luôn “cần câu cơm”

10/03/2016, 16:38

BTO- Nghị quyết 04 về phát triển dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) là một trong các nghị quyết thành công nhất của Bình Thuận. Bí quyết của nghị quyết này là nhà nước “trao cần câu chứ không trao con cá”, ĐBDTTS được cấp đất sản xuất, cho vay bò, giao khoán bảo vệ rừng, được đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ về giáo dục, y tế…

Đồng bào dân tộc thiểu số trồng bắp lai ở Phan Dũng
Sản xuất nông nghiệp ở Tánh Linh

Có tư liệu sản xuất chủ yếu, sản xuất nông nghiệp vùng ĐBDTTS phát triển rõ nét, giảm hẳn du canh du cư, phá rừng làm rẫy. Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 04, rất nhiều hộ đã thoát đói, giảm nghèo một cách bền vững, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số ở Bình Thuận cải thiện rõ rệt.

Đáng tiếc là còn nhiều hộ tái nghèo, mà một trong các nguyên nhân là bà con tự ý bán đất sản xuất được cấp. Mấy năm trước, rộ lên chuyện ở Suối Kiết, Đức Thuận, Lạc Tánh (Tánh Linh) có hàng trăm hộ ĐBDTTS tự ý bán đi hàng trăm hecta đất sản xuất được cấp.

Mới đây, báo chí lại thông tin nhiều vụ dân sang nhượng trái phép đất 04. Như ở xã Hàm Cần (Hàm Thuận Nam) có 21 hộ bán đi 10,6 ha đất 04, trong đó 11 hộ bán cho Công ty thanh long Hoàng Hậu khoảng 5,6ha. Ở thôn Đồng Me (xã Đức Thuận, Tánh Linh) cũng có 94 hộ dân tộc Rai, K’Ho đã chuyển nhượng đất trái phép.

Những cuộc mua bán âm thầm này chỉ có giấy viết tay giữa 2 bên, không ra chính quyền chứng thực, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ lan rộng ra, đẩy một bộ phận ĐBDTTS vào tình trạng “tái thiếu đất”, tái nghèo, phải đi làm thuê làm mướn cho chính người mua đất.

Trên báo chí, ông Trần Ngọc Hiệp (Chủ Công ty thanh long Hoàng Hậu, người vừa được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận) khẳng định: Nếu ông “lỡ” mua nhằm đất 04 và buộc phải thu hồi lại thì ông sẽ chấp hành nghiêm túc. Tuy nhiên, ông muốn được trả đầy đủ cả vốn, lãi và tiền đầu tư, bởi trong chuyện này ông không có gì sai! Nhưng thưa ông Hiệp, “Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, tiền đâu nữa mà trả cả vốn và lãi cho ông? Nếu còn tiền bán đất, thì bà con đã không phải đi làm thuê cho thanh long Hoàng Hậu.

Nghĩa là chuyện vận động người “lỡ” bán trả lại tiền cho người “lỡ” mua để thu hồi lại đất 04 là không thể. Cho đến nay, các địa phương có thu hồi được đất 04 mà dân đã bán đâu. Càng không có chuyện nhà nước lại bỏ tiền ra khai hoang, cấp đất 1 lần nữa cho những hộ đã tự ý bán đất 04. Dứt khoát là như vậy.

Chuyện một bộ phận người nghèo còn tâm lý ỷ lại, dựa dẫm, “chờ sung rụng” thì không mới. Nhưng trách nhiệm chính quyền thôn – xã ở đâu khi để dân bán mất “cần câu cơm”?. Nếu giáo dục dân tốt, nếu sâu sát kiểm tra, phát hiện kịp thời, thì đã ngăn ngừa được tình trạng này.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lại bán luôn “cần câu cơm”