Theo dõi trên

Làm gì để du khách quay trở lại Bình Thuận nhiều hơn

02/11/2020, 09:28

BT- Bình Thuận vinh dự và tự hào khi Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch ký quyết định công nhận Mũi Né, là khu du lịch quốc gia vào ngày 24/8/2020, với tổng diện tích khoảng 14.700 ha. Bởi lẽ du lịch Bình Thuận được đánh giá phát triển tương đối bền vững, phát triển nhanh và chuyển biến tích cực trên nhiều mặt, đạt hiệu quả kinh tế khá cao trong thời gian vừa qua.

Nếu so với các trung tâm du lịch lớn khác của Việt Nam như: Hạ Long, Huế, Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu… thì ngành du lịch của Bình Thuận còn khá non trẻ. Dù còn non trẻ nhưng du lịch Bình Thuận đã có tiếng vang không chỉ trong nước mà còn được du khách quốc tế đánh giá cao. Nhắc đến Bình Thuận là nhắc đến mảnh đất của biển xanh, cát trắng, nắng vàng do nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa nên thời tiết nắng ấm, không khí trong lành, mát mẻ, nhiệt độ ôn hòa, lượng mưa thấp và tập trung đã tạo môi trường thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động du lịch quanh năm. Khi mới hình thành, du lịch Bình Thuận chỉ được coi là một mảng hoạt động dịch vụ trong cơ cấu kinh tế. Nhưng kể từ năm 2000 trở lại đây, du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Thuận. Không những là địa phương có vị trí địa lý thuận lợi, nằm giữa các trung tâm du lịch lớn ở phía Nam như: TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đà Lạt, Nha Trang, Bình Thuận còn có 192 km bờ biển trải dài từ Cà Ná (Ninh Thuận) đến Bình Châu (Bà Rịa-Vũng Tàu). Vịnh Bình Thuận tương đối nông, nhiều gió nên phù hợp với các loại hình thể thao biển mà người châu Âu rất ưa thích. Lợi thế không chỉ ở biển mà còn ở sự tồn tại phong phú về danh lam thắng cảnh, di tích kiến trúc lịch sử và hệ thống văn hóa lễ hội cả dân gian lẫn hiện đại. Mặc dù được nhận định là tỉnh có vùng biển đẹp, khá hoang sơ và quyến rũ nhưng đa số du khách lựa chọn đến Bình Thuận chủ yếu là để nghỉ ngơi và tắm biển vì Bình Thuận chưa có nhiều sản phẩm hỗ trợ du lịch khác như vui chơi giải trí, mua sắm. Thực trạng về doanh thu và lượng khách du lịch, bao gồm lượng khách quốc tế và khách nội địa đến với Bình Thuận tăng qua các năm, tuy nhiên số lượng khách quay trở lại Bình Thuận du lịch lại đạt rất thấp bởi môi trường phát triển du lịch còn nhiều bất cập, chất lượng nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, sản phẩm du lịch nghèo nàn. Phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng và còn ẩn chứa những yếu tố thiếu bền vững.

Xuất phát từ vấn đề thực tiễn trên nên rất cần một nghiên cứu thực nghiệm nhằm xác định và đo lường các nhân tố tác động đến lòng trung thành của khách du lịch quay lại du lịch tại Bình Thuận. Bởi lẽ, nếu muốn du khách quay lại du lịch khi họ cảm thấy thích thú, hài lòng với quyết định du lịch tại Bình Thuận, yêu thích điểm đến của Bình Thuận, có cảm tình với Bình Thuận, và họ cho rằng những trải nghiệm ở Bình Thuận đáp ứng được những gì họ cần. Bên cạnh đó phải làm thế nào khi khách du lịch cho rằng giá cả du lịch ở Bình Thuận là hợp lý, họ nhận được dịch vụ tốt khi đi du lịch tại Bình Thuận, chuyến du lịch tại Bình Thuận là giá trị thì họ sẽ trung thành với du lịch Bình Thuận. Cũng cần phải làm thế nào để quảng bá Bình Thuận có nhiều địa điểm du lịch và lịch sử, có hệ thống giao thông tốt, người dân thân thiện, thức ăn ngon và tươi. Chính vì lẽ đó, chúng ta cần phải xác định các yếu tố tác động đến lòng trung thành của khách du lịch đến Bình Thuận. Để đạt được những mục tiêu đó đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương phải phát huy tối đa các lợi thế so sánh của tài nguyên du lịch, đưa Bình Thuận trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của quốc gia và quốc tế. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương phải tiếp tục triển khai điều chỉnh các quy hoạch cụ thể, các dự án đầu tư, quản lý chặt chẽ tài nguyên và môi trường du lịch theo quy hoạch. Có giải pháp dung hòa cân đối sự phát triển du lịch với các ngành kinh tế khác, đặc biệt là ngành công nghiệp khai thác khoáng sản, phong điện và nuôi trồng thủy sản tại các địa bàn trọng điểm du lịch. Đầu tư xây dựng và bảo tồn làng nghề truyền thống, lễ hội là điểm đến du lịch hấp dẫn cho du khách…

Thanh Quang



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm gì để du khách quay trở lại Bình Thuận nhiều hơn