Theo dõi trên

Lo lắng về ô nhiễm môi trường

08/10/2019, 09:12

BT- Người dân Hà Nội hiện nay đang rất lo ngại khi chỉ số ô nhiễm không khí ở mức báo động đỏ, thậm chí có lúc ở mức báo động tím. Mặc dù Hà Nội đã có mưa nhưng chỉ số ô nhiễm không khí vẫn chưa có biến động gì lớn.

Lý giải về nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội tăng cao đột biến tới ngưỡng gây hại tới sức khỏe người dân, các nhà chuyên môn cho rằng ngoài các nguồn gây ô nhiễm từ hoạt động giao thông, xây dựng, có nguyên nhân từ điều kiện khí hậu bất lợi, khói bụi từ các nhà máy… nên các nguồn ô nhiễm không khuếch tán được.

Từ việc ô nhiễm môi trường không khí ở Hà Nội, nhiều người đã liên tưởng đến việc ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, bởi lẽ thời gian qua, các ngành chức năng, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ, cải thiện, khắc phục ô nhiễm môi trường, tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vẫn chưa được xử lý triệt để, gây bức xúc cho người dân. Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh chủ yếu là tình trạng xả thải của một số cơ sở chế biến hải sản, từ các trang trại chăn nuôi, sản xuất phân bón, bãi rác và các nhà máy… Tỉnh xác định hiện nay có rất nhiều “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường luôn được các cơ quan chức năng của tỉnh quan tâm, giám sát chặt chẽ, đặc biệt 2 điểm nóng về môi trường là Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và Cụm công nghiệp chế biến hải sản Phú Hài. Ngoài ra, còn có 2 cơ sở chưa hoàn thành biện pháp xử lý môi trường đó là bãi rác Bình Tú và Khu chế biến thủy sản Nam Cảng cá Phan Thiết. Điều mà người dân lo lắng nhất hiện nay vẫn là sau khi các Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân đi vào hoạt động chính thức, bãi xỉ than của nhà máy chưa có “đầu ra”, khiến môi trường sống của người dân trong khu vực này bị đe dọa. Có những bãi xỉ than rất gần với quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam và rất gần với khu dân cư. Với khối lượng xỉ than tồn đọng ngày càng lớn, người dân sống trong khu vực này rất lo lắng vì sợ bãi xỉ phát tán khói bụi vào khu dân cư. Khói bụi và xỉ than từ các Nhà máy nhiện điện Vĩnh Tân đã từng được nhiều chuyên gia khoa học tại Việt Nam cảnh báo có nhiều khả năng gây tác hại đến môi trường nếu như không được kiểm soát và xử lý chặt chẽ.

Việc ô nhiễm môi trường luôn là vấn đề gây bức xúc, đòi hỏi phải có hướng giải quyết triệt để. Nếu không có biện pháp để bảo vệ môi trường, giữ môi trường trong lành, chất lượng không khí tốt thì con người sẽ là đối tượng đầu tiên phải gánh chịu hậu quả, kế đó là thế hệ tương lai. Chính vì vậy, UBND tỉnh đã có rất nhiều chỉ đạo đối với các cơ quan chức năng và chủ đầu tư các Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân tập trung triển khai giải pháp đảm bảo môi trường, không để ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân tại khu vực. Nhiều biện pháp được triển khai đồng bộ, qua đó đã hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Đến nay, đã hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải, khí thải, camera giám sát, thiết bị lấy mẫu tự động nước thải. Đã truyền dữ liệu quan trắc tự động nước thải về hệ thống tiếp nhận của Sở Tài nguyên và Môi trường. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư đã thi công nâng tầng đê bao bãi thải xỉ, đảm bảo an toàn cho bãi xỉ trong mùa mưa, thực hiện quy trình thu gom, vận chuyển, chôn lấp tro xỉ theo quy trình… Nhằm đảm bảo môi trường tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận cũng đã kiến nghị Trung ương đưa Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân vào chương trình giám sát đặc biệt và thành lập Tổ giám sát môi trường tại khu vực này. Tỉnh còn kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai việc rà soát, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường tổng thể cho toàn bộ các dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, kể cả việc giải nhiệt nước làm mát của các nhà máy khi thải vào môi trường. Từ đó, đưa ra các giải pháp phòng chống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường cho phù hợp với thực tế tại khu vực.

Đối với ô nhiễm môi trường ở các lĩnh vực khác, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tập trung thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các cơ sở vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Riêng đối với các trang trại chăn nuôi heo, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tích cực phối hợp triển khai thực hiện các biện pháp thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc, yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, lập hồ sơ xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường... cũng như xử lý, xử phạt nghiêm các trang trại vi phạm pháp luật về môi trường, gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, tổng hợp kết quả đề xuất UBND tỉnh biện pháp quản lý chặt chẽ nên tình hình môi trường tại các trang trại đã có chuyển biến khá. Đây mới chỉ là những biện pháp trước mắt, để đảm bảo môi trường trong lành về lâu dài, Sở TN & MT sẽ tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh, của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong đó thực hiện nghiêm chủ trương tạm dừng việc chấp thuận đầu tư các dự án chăn nuôi heo mới trên địa bàn tỉnh. Triển khai các biện pháp cưỡng chế nộp tiền phạt, tạm đình chỉ dự án đối với các trang trại đã bị xử phạt, chưa đầy đủ hồ sơ, gây ô nhiễm môi trường... nhằm khắc phục các hạn chế, thiếu sót, vi phạm, tiến tới thu hồi giấy chứng nhận đầu tư nếu không chấp hành đúng và đầy đủ các yêu cầu của cấp thẩm quyền.

THANH QUANG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lo lắng về ô nhiễm môi trường