Theo dõi trên

Lợi ích kép của chiếc lá chuối

04/09/2019, 08:57

 BT- Với phong trào “Nói không với nilon”, hiện nhiều siêu thị, cửa hàng trên địa bàn cả nước, trong đó có Bình Thuận đã sử dụng lá chuối gói thực phẩm thay cho túi nilon. Việc làm này đã được xã hội đồng tình, đánh giá cao. Thủ tướng Chính phủ cũng đã gửi thư biểu dương, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, siêu thị, người tiêu dùng chọn lựa nguyên liệu làm bao bì thân thiện môi trường.

Theo đánh giá của người tiêu dùng, việc dùng lá chuối, lá dong gói thực phẩm tuy không tiện bằng gói nilon nhưng thức ăn được gói bằng lá chuối để lâu không có mùi khó chịu, giá thành lại rẻ, đặc biệt là góp phần bảo vệ môi trường sống đang ngày càng bị ô nhiễm bởi vật dụng bằng nilon sử dụng một lần. Vì vậy, không chỉ cửa hàng, siêu thị mà các chợ truyền thống cũng hưởng ứng phong trào dùng lá chuối, lá dong thay cho túi nilon; các bà, các chị nội trợ ở một số nơi cũng mang lá chuối khi ra chợ để gói thực phẩm mua về.

Có cầu ắt có cung. Trước nhu cầu của thị trường, nhiều nơi đã có phong trào trồng chuối lấy lá như “Vườn chuối của Đoàn” ở Đan Phượng (Hà Nội); Câu lạc bộ “Trồng cây chuối lấy lá thay túi nilon” của Chi hội phụ nữ buôn Ka La (Đắk Lắk); “Trồng cây lấy lá thay túi nilon” của Chi hội phụ nữ thôn Làng Bến (Lạng Sơn) và rất nhiều chi hội phụ nữ khác ở các địa phương hưởng ứng chương trình bảo vệ môi trường của Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động.

Theo người trồng chuối, trung bình 15 ngày chuối trồng lấy lá cho thu hoạch 1 đợt. Trung bình giá mỗi kg lá chuối khoảng 10.000 đồng, lá loại đẹp hơn 15.000 đồng/kg tùy vào thời điểm. Mỗi ha trồng chuối lấy lá, người trồng chuối có thể thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Trồng chuối lấy lá không khó “Trẻ trồng na, già trồng chuối”. Theo các nhà khoa học, cây chuối chịu đất thịt nhẹ, tơi xốp, nhiều mùn không quá chua hoặc mặn;  không bị ngập úng và dễ tưới tiêu nước; đồng thời hạn chế ở những nơi nhiều gió, làm lá chuối bị rách, ảnh hưởng đến quá trình quang hợp, giảm năng suất và khó bán.

Bình Thuận có nhiều địa bàn trồng chuối khá tốt  như Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam. Tuy nhiên trước đây người dân chủ yếu trồng chuối lấy trái vì nhu cầu sử dụng lá chuối chưa nhiều, chủ yếu dùng gói bánh, chả vào dịp lễ, tết hoặc làm thức ăn cho một số vật nuôi. Trước nhu cầu hiện nay, thiết nghĩ, Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh cần phát động rộng rãi mô hình “trồng chuối lấy lá” để cung cấp đủ lá chuối cho các siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sinh hoạt tiêu dùng hàng ngày của người dân và hội viên phụ nữ trong việc bao gói các loại rau, một số thực phẩm khác bằng lá chuối để giảm thiểu được việc sử dụng túi nilon, góp phần bảo vệ môi trường.

Ngành Nông nghiệp và PTNT cần nghiên cứu vùng đất, khí hậu phù hợp với sinh trưởng và phát triển cây chuối, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng chuối lấy lá cho người sản xuất. Đồng thời khuyến khích phát triển các vùng trồng chuối lấy lá tập trung ở những nơi có điều kiện cũng như khuyến khích các hộ gia đình trồng chuối trên các mảnh vườn bỏ hoang, các khu đất chưa có người sử dụng nhằm tạo ra sản phẩm, tăng thêm thu nhập cho hộ gia đình.

Thực tế cho thấy, lợi ích kép của trồng chuối lấy lá là vừa tăng thu nhập cho người dân, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Cần tăng cường tuyên truyền, vận động và yêu cầu các siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống, người tiêu dùng sử dụng rộng rãi lá chuối và các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế dần túi nilon. Tăng cường kiểm tra các cửa hàng và các đơn vị sử dụng lá chuối gói thực phẩm về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ; đồng thời, có biện pháp kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với vùng trồng chuối lấy lá để đảm bảo tốt nhất chất lượng sản phẩm, sức khỏe người tiêu dùng.

THẾ NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lợi ích kép của chiếc lá chuối