Theo dõi trên

“Lộng giả thành chân”

16/08/2019, 08:20 - Lượt đọc: 1,032

BT- Tăng Sâm người nước Lỗ (nay là tỉnh Sơn Đông -Trung Quốc), chuyện kể rằng một lần Tăng Sâm có việc ra ngoài chưa về, vừa vặn có một người cùng tên Tăng Sâm bị bắt vì tội giết người.

Hàng xóm hớt hải chạy tới báo tin dữ cho mẹ của Tăng Sâm rằng: “Tăng Sâm giết người”. Mẹ Tăng Sâm rất hiểu con mình, tin chắc rằng Tăng Sâm không thể là kẻ giết người, nên tiếp tục dệt vải và nói: “Con trai ta không bao giờ giết người”.

Một lát sau có người thứ 2 chạy tới nói: “Tăng Sâm giết người”. Mẹ của Tăng Sâm có chút nghi ngờ, nhưng vẫn không tin con mình giết người, vẫn tiếp tục dệt vải.

Thêm một lát nữa có người thứ 3 chạy tới nói: “Tăng Sâm giết người”. Mẹ của Tăng Sâm bắt đầu thấy sợ hãi, vội vã vứt khung vải chạy đi...

Giai thoại “Tăng Sâm giết người” của Trung Quốc được dùng để chỉ lời đồn đại đáng sợ đến mức nào, nó lặp đi lặp lại nhiều lần khiến người ta tin là sự thật. Đó là chuyện xưa, thời thông tin còn thiếu thốn và bị ngăn trở nhiều. Ngày nay mạng xã hội rất phát triển, người ta dễ dàng chia sẻ 1 câu chuyện, 1 hình ảnh, hay 1 status khiến nó lan truyền với tốc độ chóng mặt. Tin giả (Fake News) vì thế càng đáng sợ hơn bội phần và đã trở thành một vấn nạn toàn cầu.

Ở Việt Nam việc sử dụng Facebook và Youtube đã trở thành nhu cầu thiết yếu của một bộ phận không nhỏ dân chúng. Theo thông báo của Facebook và Google, tính đến tháng 5/2018 Facebook có khoảng 64 triệu tài khoản thành viên tại Việt Nam (xếp thứ 7 trong 10 quốc gia có số người sử dụng Facebook nhiều nhất thế giới), Youtube có khoảng 45 triệu tài khoản thành viên tại Việt Nam (nằm trong nhóm 10 nước có số người sử dụng Youtube cao nhất thế giới).

Thay vì đọc báo, nghe đài hàng ngày để xem tin tức như trước đây, một bộ phận người Việt Nam hình thành thói quen vào 2 mạng xã hội này để đọc tin. Facebook và Youtube vì thế có ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ, nhận thức và hành động của người dân, đồng thời cũng là nguồn phát tán nhiều thông tin sai sự thật và xấu độc.

Nguy hại hơn là tin giả, tin giật gân, thất thiệt lan truyền với tốc độ nhanh hơn, phát tán rộng hơn rất nhiều so với tin thật. Gần đây nhất là các vụ tung tin đồn: Máy bay rơi ở Nội Bài, vỡ đập thủy điện hồ Núi Cốc, đoàn xe Chủ tịch Quốc hội về thăm quê hàng trăm chiếc... đã gây hoang mang lòng người, bất ổn xã hội, ảnh hưởng cả an ninh quốc gia.

Luật An ninh mạng của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 quy định cấm các “thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội”. Luật pháp ở Singapore còn quy định “những ai có hành vi phát tán các thông tin sai sự thật, có nội dung gây hại tới lợi ích công chúng sẽ phải đối mặt với án tù giam lên tới 10 năm”. Ở ta vừa qua nhiều kẻ tung tin giả về dịch bệnh, thảm họa thiên tai, tin giật gân, gây sốc, kích động... đã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bộ Thông tin - Truyền thông đã đàm phán, đấu tranh quyết liệt với Google và Facebook yêu cầu cam kết và nghiêm túc thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin giả mạo, xuyên tạc, xấu độc và đã đạt được một số kết quả ban đầu.Tuy nhiên khó khăn, thách thức phía trước còn rất lớn.

Thứ nhất, việc nắm bắt thông tin và định hướng dư luận còn lúng túng, bị động, chủ yếu xử lý hậu quả khi tin đồn giả mạo đã xảy ra, chứ chưa chủ động cung cấp thông tin chính thống lên mạng xã hội để định hướng dư luận.

Thứ hai, tin giả nhưng hậu quả thật, rất đáng sợ, nên mọi người cần tỉnh táo khi tiếp nhận và đừng coi thường, bàng quan trước nó, cần tham gia đấu tranh với tin giả trên mạng xã hội, nhất là lực lượng cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên thanh niên. Nếu dưới 1 tin giả có hàng trăm comment ủng hộ, hùa theo, thì người ta sẽ tin theo. Nhưng nếu có những comment phản bác, nghi ngờ thông tin giả ấy, thì người đọc sẽ cảnh giác.

Thứ ba, báo chí cần cung cấp kịp thời những thông tin thật mà người dân đang cần, để dẫn dắt dư luận. Các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm cung cấp thông tin chính thống cho báo chí, không được vin lý do “vụ việc nhạy cảm” để “né” báo chí. Trên thực tế rất nhiều tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội mau chóng bị dập tắt khi báo chí dẫn nguồn tin từ cơ quan chức năng nói rõ sự thật về vụ việc ấy. Nhưng còn rất nhiều thông tin thất thiệt, xuyên tạc chưa được “cải chính” kịp thời, để mặc mọi người “muốn hiểu sao thì hiểu” thì rất nguy hại. 

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Lộng giả thành chân”