Theo dõi trên

Mùa hè ngắn ngủi

07/08/2020, 10:02 - Lượt đọc: 24

BT- Đối với các em học sinh, kỳ nghỉ hè năm nay thật ngắn ngủi, nhưng đối với ngành du lịch, mùa du lịch hè năm nay còn ngắn hơn và dường như đã kết thúc khi xuất hiện ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng tại Đà Nẵng.

Sau hơn nửa năm chống chọi với dịch bệnh, du lịch vừa mới sôi động trở lại với chương trình kích cầu nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, bao hy vọng trông chờ vào kỳ nghỉ hè này, trong khi chờ thị trường khách quốc tế mở cửa trở lại. Nhưng mọi nỗ lực và hy vọng phục hồi của doanh nghiệp và người lao động đã bị dội một gáo nước lạnh tắt ngấm. Tình hình dịch bệnh diễn biến nhanh, lây lan rộng ra nhiều tỉnh, thành, làm nhiều người nhiễm và tử vong, khiến làn sóng hủy dịch vụ diễn ra dồn dập trên phạm vi cả nước: Hủy tour du lịch, vé máy bay, dịch vụ nhà hàng, phòng nghỉ, hủy sự kiện, hội nghị, hội thảo, lễ hội... Ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam lo ngại sẽ có nhiều doanh nghiệp khó gượng dậy sau đợt dịch thứ 2 này.

Không chỉ du lịch, dịch Covid-19 quay lại như cú giáng mạnh vào nền kinh tế vừa gượng dậy, doanh nghiệp lao đao tìm cách duy trì sản xuất, ổn định cuộc sống người lao động. Người dân lo sinh kế khó khăn, thu nhập giảm sút, thất nghiệp gia tăng. Tâm thế lo âu, phòng thủ ấy khiến người dân không còn tâm trạng đi du lịch.

Ở Bình Thuận tới đầu tháng 8, dù đã trải qua 145 ngày không có ca nhiễm mới (từ ngày 12/3), nhưng tâm lý lo sợ của khách hàng, cộng với tình hình kinh tế khó khăn, khiến khách đoàn, khách công ty, xí nghiệp, trường học, cơ quan... hủy tour gần hết. Chỉ còn khách đi gia đình lẻ tẻ nhưng không biết cầm cự được bao lâu nữa khi số lượng hủy phòng những ngày tới đang tăng. Đang cao điểm du lịch hè nhưng nhiều bãi biển, điểm du lịch trở nên vắng vẻ. “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”, du lịch Bình Thuận vừa tái khởi động thì dịch tái phát, khách quốc tế không có, khách trong nước không dám đi du lịch, doanh nghiệp hết bề xoay xở, vùng vẫy.

Hoạt động du lịch “đóng băng” sẽ ảnh hưởng dây chuyền tới hàng loạt ngành nghề, lĩnh vực liên quan như: Thương mại, dịch vụ, vận tải, nông - ngư nghiệp... Những cậu bé cho thuê tấm trượt ở Đồi cát bay Mũi Né cũng buồn vì hè này vắng khách.

Lúc này có khuyến mãi, giảm giá, hay tuyên truyền quảng bá về sự an toàn của điểm đến, thì khách cũng không đi du lịch. Mọi việc đều phải trông chờ vào sự khống chế dịch bệnh, nếu Việt Nam kiểm soát được dịch Covid - 19 trong tháng 8, 9, thì du lịch còn có cơ hội phục hồi vào quý 4 năm nay.

Trước mắt, ngành du lịch sẽ phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho du khách, đồng thời tìm giải pháp ứng cứu doanh nghiệp, người lao động, giảm thiểu thiệt hại.

Du lịch là ngành mũi nhọn kinh tế của Bình Thuận, cũng là ngành bị ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề nhất của dịch Covid-19. Lúc này UBND tỉnh cùng các sở, ngành chức năng cần xem xét, giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất của Hiệp hội du lịch Bình Thuận tại Hội nghị “Lãnh đạo tỉnh đối thoại với doanh nghiệp” hôm 19/6 vừa qua. 

ĐẶng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mùa hè ngắn ngủi