Theo dõi trên

Ngoài kia, biển không yên tĩnh

24/04/2020, 14:41

BT- Dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay có lẽ không còn cảnh những bãi biển nhộn nhịp, đông nghẹt người như các năm trước. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, người dân hạn chế đi du lịch, tránh tụ tập đông người, nhiều địa phương “đóng cửa biển” từ 1/4, các bãi biển trở nên hoang vắng.

Nhưng ở ngoài khơi biển không hề yên tĩnh, khi Trung Quốc lợi dụng lúc thế giới đang lo phòng chống dịch Covid-19, để gia tăng các hoạt động lấn chiếm trên biển Đông. Vào cuối tháng 3 Trung Quốc tuyên bố thiết lập 2 trạm nghiên cứu trên đá Xu Bi và đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngày 26/3 người phát ngôn Bộ Ngoại giao ta đã lên tiếng phản đối hành động này.

Tiếp đó ngày 2/4, khi tàu cá QNg 90617 TS và 8 ngư dân Quảng Ngãi đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản, đâm chìm.

Ngày 3/4 đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm phản đối hành động này, yêu cầu Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm tàu hải cảnh nêu trên, không được tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thỏa đáng cho thiệt hại của ngư dân Việt Nam.

Ngày 6/4 trong Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên án và gọi hành động đâm chìm tàu cá Việt Nam là động thái mới nhất trong hoạt động của Trung Quốc nhằm tuyên bố trái phép chủ quyền trên biển. Mỹ kêu gọi Trung Quốc tập trung hỗ trợ nỗ lực quốc tế đối phó với đại dịch toàn cầu, ngừng tranh thủ sự xao lãng của cộng đồng quốc tế, để tranh thủ mở rộng chủ quyền trái pháp luật ở biển Đông.

Tiếp theo ngày 18/4, Trung Quốc ngang nhiên thông báo quyết định thành lập “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”. Trung Quốc còn ngạo mạn quy định trụ sở “huyện đảo Tây Sa” sẽ đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, và trụ sở “huyện đảo Nam Sa” sẽ đặt tại đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nơi đây từ lâu Việt Nam đã thành lập đơn vị hành chính để quản lý các quần đảo này, theo đó huyện đảo Hoàng Sa hiện trực thuộc TP. Đà Nẵng, còn huyện đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Khánh Hòa (Việt Nam).

Ngày 19/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái trên.

Trong một tuyên bố ngày 18/4, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng bày tỏ lo ngại về các hoạt động gây hấn lặp đi lặp lại của Trung Quốc, nhắm tới các cơ sở dầu khí ngoài khơi của các nước khác, và kêu gọi Trung Quốc ngừng “hành vi bắt nạt” trên biển Đông.

Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đã gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phản đối lập trường và yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông; khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lập trường nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp trên biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Từ ngăn cản không cho khai thác dầu khí, bắt giữ, đâm chìm tàu cá của ngư dân ta, đến ngang ngược tuyên bố thành lập 2 đơn vị hành chính trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam... Chiến thuật lấn dần từng bước theo kiểu “tằm ăn lá dâu” của Trung Quốc đã bộc lộ rõ. Đây là lúc Trung Quốc muốn tận dụng thời cơ thế giới đối phó với dịch bệnh, không có thời gian để ý các hoạt động trên biển, để lấn chiếm. Dư luận quốc tế lo ngại rằng sau khi công bố thành lập 2 huyện trên biển Đông để kiểm soát các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc sẽ tiếp tục chiếm quyền quản lý các vùng biển xung quanh đảo, không cho phép đánh bắt cá, hoặc khai thác dầu khí dưới đáy biển, tàu hàng đi qua phải xin phép, rồi thiết lập vùng nhận dạng phòng không, buộc máy bay bay ngang qua phải xin phép...

Dù biển Đông còn nổi nhiều sóng gió, nhưng hành động hung hăng, côn đồ đâm chìm tàu cá không đe dọa được hàng vạn ngư dân miền Trung Việt Nam (trong đó có các đội tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Bình Thuận) vẫn quyết tâm vươn khơi bám biển, vừa đánh bắt vừa bảo vệ chủ quyền. Sự hiện diện của ngư dân Việt Nam trên biển chính là những cột mốc sống khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngoài kia, biển không yên tĩnh