Theo dõi trên

Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam

15/05/2020, 10:52

BT- Bắt đầu từ ngày 1/6 tới, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” nhằm kích cầu du lịch nội địa. Chương trình này sẽ triển khai đến hết năm nay. Trong lúc du khách nước ngoài chưa được phép nhập cảnh vào Việt Nam, du lịch nội địa sẽ là “cứu cánh”.

Chương trình người Việt Nam đi du lịch Việt Nam còn nhằm khơi dậy lòng yêu nước, tự hào về các giá trị văn hóa, vẻ đẹp các danh lam thắng cảnh của Việt Nam, khuyến khích du khách trong nước khám phá những địa danh trên mọi miền đất nước.

Tài nguyên thiên nhiên và văn hóa của Việt Nam ta rất phong phú và đa dạng nhưng chưa được khai thác hết, chưa tạo ra được điểm nhấn để thu hút du khách. Để sản phẩm du lịch trong nước đến được với trên 90 triệu dân Việt Nam, chương trình này sẽ đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá các điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn của các vùng miền. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đề nghị các địa phương vào cuộc, có chính sách miễn giảm phí, lệ phí tham quan, các hãng hàng không, doanh nghiệp vận tải giảm giá vé và bắt tay với các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú xây dựng các tour du lịch trọn gói với giá ưu đãi, tạo điều kiện cho nhân dân đi du lịch tới các vùng - miền đất nước.

Tại hội nghị Thủ tướng gặp gỡ doanh nghiệp vừa diễn ra, doanh nghiệp Viettravel còn đề nghị cho học sinh cả nước nghỉ hè khoảng 4 - 5 tuần (vào khoảng giữa tháng 8 đến giữa tháng 9) để kích cầu du lịch nội địa.

Với lòng yêu nước sâu sắc, tinh thần tự hào dâng cao sau khi chiến thắng dịch Covid-19, người Việt Nam sẵn sàng hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, để góp phần vực dậy ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước (đóng góp 8,8% GDP, giải quyết việc làm cho 5 triệu lao động). Nhưng dư luận mong muốn ngành du lịch nước nhà phải có những giải pháp mang tính bền vững, thực sự coi trọng khách nội địa, chứ không chỉ là quảng bá, kêu gọi suông, hay những giải pháp tình thế.

Kinh nghiệm các năm qua cho thấy, khi thị trường khách quốc tế đến nước ta giảm sút mạnh, do tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế, chính trị, hay thiên tai, dịch bệnh, thì chính thị trường khách nội địa đã duy trì hoạt động kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập, bù đắp sự tăng trưởng của ngành du lịch nước nhà.

Nhưng vào mùa cao điểm, kinh doanh du lịch “được mùa”, lượng khách quốc tế đến đông đảo, thì ở nhiều nơi, nhiều đơn vị lữ hành, lưu trú, vận chuyển lại có tâm lý phân biệt, coi thường, không quan tâm phục vụ, đón tiếp chu đáo với khách nội địa. Tình trạng ứng xử thiếu văn minh, lịch sự, ép giá “chặt chém”, thậm chí lừa đảo khách, “đem con bỏ chợ” xảy ra nhiều lúc, nhiều nơi, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh du lịch nước nhà.

Đặc biệt, giá tour đi du lịch nội địa còn khá cao so với khu vực và thế giới, nếu có khuyến mãi, giảm giá thì chất lượng lại không được như đã cam kết. Việc người Việt Nam đi du lịch một số điểm đến ở Thái Lan, Hàn Quốc... mà chi phí chỉ tương đương, thậm chí rẻ hơn đi Đà Nẵng, Phú Quốc là có thật. Điều này góp phần lý giải vì sao người Việt Nam đi du lịch nước ngoài ngày càng tăng (năm 2016 khoảng 6,5 triệu lượt người Việt Nam đi du lịch nước ngoài, chi tiêu khoảng 7 - 6 tỷ USD).

Để kích cầu, các đơn vị - hiệp hội lữ hành, khách sạn, hàng không đang liên kết lại để tăng khuyến mãi, giảm giá tối đa cho các tour du lịch trong nước (mà không giảm chất lượng), sao cho phù hợp túi tiền eo hẹp của người dân sau dịch Covid-19.

Đầu tháng 5 các địa phương đồng loạt mở cửa lại du lịch, kết hợp với bảo đảm an toàn phòng chống dịch. Đây là một cuộc cạnh tranh, nếu địa phương nào làm không tốt thì khách sẽ đến địa phương khác. Du lịch Bình Thuận cần kịp thời đẩy mạnh quảng bá hình ảnh một điểm đến “an toàn-thân thiện-hấp dẫn” với biển xanh, cát trắng, nắng vàng để thu hút khách. Hiệp hội du lịch Bình Thuận sẽ khởi động chương trình hành động quảng bá điểm đến Oh Wow! Mũi Né (Ngạc nhiên Mũi Né) để kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, điểm tham quan và dịch vụ trên toàn tỉnh đồng bộ vào cuộc khuyến mãi, giảm giá các dịch vụ: vận chuyển, lưu trú, ăn uống, mua sắm, tham quan, giải trí, thể thao biển, chăm sóc sức khỏe, cà phê, quà lưu niệm...

Du lịch hồi phục sẽ lôi kéo được rất nhiều ngành - nghề liên quan khác hồi phục. Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận cần có kế hoạch tốt phục hồi du lịch, kể cả kích cầu nội địa trong dịp hè và thị trường khách quốc tế vào cuối năm nay.  

KHÔI NGUYÊN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đức Linh cần tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ, giải pháp để phát triển toàn diện
BTO-Đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chỉ đạo như vậy tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Linh, diễn ra sáng 25/4. Dự làm việc còn có đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam