Theo dõi trên

 “Nhấn chìm bùn thải” và vai trò phản biện xã hội của báo chí

27/10/2017, 09:33

BTO- Ngày 23/6/2017, Bộ TN-MT cấp phép cho Công ty điện lực Vĩnh Tân 1 nhấn chìm gần một triệu khối vật chất nạo vét xuống biển.

Thông tin nhạy cảm này nhanh chóng lan truyền trên báo chí và mạng xã hội. Rất nhiều nhà khoa học, các tổ chức liên quan đến môi trường, các cơ quan báo chí đã lên tiếng bày tỏ sự lo ngại sâu sắc.

Các phóng viên đang tác nghiệp. Ảnh minh họa

Không chỉ cơm áo và sinh kế của hàng vạn dân đánh cá, làm muối, nuôi tôm, du lịch - dịch vụ ở vùng biển này bị đe dọa, mà còn số phận của khu bảo tồn biển Hòn Cau sẽ ra sao? Nếu một triệu khối bùn thải (và tiếp đó là nhiều triệu khối vật chất nạo vét nữa) bị nhấn chìm xuống vùng biển này.

Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cũng khẩn trương gửi văn bản đề xuất Trung ương tạm dừng việc cấp phép nhận chìm bùn thải, đồng thời nghiên cứu phương án sử dụng khối lượng vật chất nạo vét này để san lấp mặt bằng các công trình lấn biển, dùng chống xói lở bờ biển ở Bình Thuận.

Áp lực dư luận xã hội càng lớn hơn khi báo chí đưa tin nhiều nhà khoa học tố cáo bị mạo danh trong hồ sơ xin phép nhận chìm bùn thải. Bộ TN-MT đã phải kỷ luật cán bộ sai phạm này.

Cuối tháng 7/2017, Thủ tướng CP yêu cầu Bộ TN-MT, Viện Hàn Lâm khoa học phải kiểm tra đánh giá toàn diện tác động môi trường việc nhận chìm bùn thải ở Bình Thuận. Sau bài học Formosa (Hà Tĩnh), quan điểm Chính phủ kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Đích thân Bộ trưởng TN-MT cùng nhiều nhà khoa học đến thị sát vùng biển Vĩnh Tân.

Cuối cùng thay vì “nhận chìm”, Bộ TN-MT đã  đề nghị Chính phủ cho đổ 1 triệu khối vật chất nạo vét của Vĩnh Tân 1 vào khu vực san lấp mặt bằng của cảng tổng hợp Vĩnh Tân (theo đề xuất của tỉnh Bình Thuận). Dư luận cả nước thở phào nhẹ nhõm. Một lần nữa, vai trò phản biện xã hội của báo chí, phản biện xã hội qua báo chí, có tác dụng tích cực khi cơ quan chức năng lắng nghe và cầu thị.

Báo chí Việt Nam đang đi từ báo chí đưa tin phản ánh, đến giám sát và phản biện xã hội phong phú, đa chiều, sâu sắc. Nhiều tờ báo, nhà báo đã thể hiện được bản lĩnh trong phản biện xã hội, tranh luận có lý lẽ, có thực tiễn và giàu tính xây dựng, giúp cơ quan chức năng điều chỉnh kịp thời các quyết định, chính sách của mình.

Nhân kỷ niệm 41 năm ngày thành lập Báo Bình Thuận 27/10, bạn đọc mong muốn những người làm báo, cho dù trong hoàn cảnh khó khăn nào, cũng không được quên một chức năng của báo chí- Đó là giám sát và phản biện xã hội.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
 “Nhấn chìm bùn thải” và vai trò phản biện xã hội của báo chí