Theo dõi trên

Nhận diện điểm yếu để điều chỉnh

04/04/2018, 10:39

BT- Nhiều người trong chúng ta cảm thấy phấn khởi khi Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 của Bình Thuận đạt 63,34 điểm, xếp thứ 24, tăng 8 bậc so với năm 2016, thuộc nhóm khá của cả nước. Điều đó càng có ý nghĩa hơn khi mà tất cả các tỉnh, thành đều có sự tiến bộ và tăng điểm số của mình, thì Bình Thuận là một trong những địa phương tăng trưởng cao hơn để vươn từ vị thứ 32 lên 24.

Xét trên 10 chỉ số thành phần, Bình Thuận có 7 chỉ số tăng điểm, đó là chỉ số tiếp cận đất đai từ 5,82 lên 6,64; tính minh bạch từ 5,75 lên 6,42; chi phí không chính thức từ 5,42 lên 5,58; cạnh tranh bình đẳng từ 6,05 lên 6,12; tính năng động từ 4,23 lên 5,34; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp từ 5,72 lên 6,95; đào tạo lao động từ 5,85 lên 6,18. Đây đều là những chỉ số rất quan trọng cho thấy mức độ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ở tỉnh đã có những tiến bộ rõ rệt; chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền khá hơn; các cấp chính quyền giải quyết kịp thời hơn các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; chi phí không chính thức có xu hướng được cải thiện tích cực, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn; chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính đang có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng đào tạo lao động được nâng lên…

Tuy nhiên trong sự tiến bộ chung, cần nhận diện những điểm yếu để có hướng khắc phục, điều chỉnh ngay trong năm 2018 này và những năm tiếp theo. Đó là vẫn còn  3 chỉ số thành phần giảm điểm so với năm 2016; cụ thể, chỉ số gia nhập thị trường từ 8,84 giảm còn 8,19, chi phí thời gian từ 6,36 còn 6,22 và thiết chế pháp lý từ 4,97 còn 4,82.

Một điểm yếu khác cần chú ý là chỉ số cơ sở hạ tầng của Bình Thuận bị xếp thứ 58 của cả nước, chỉ đứng trên các tỉnh miền núi như Sơn La, Đắc Nông, Hà Tĩnh, Điện Biên… Chỉ số này được xây dựng dựa trên các kết quả điều tra cảm nhận của doanh nghiệp về chất lượng cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh. Chỉ số cơ sở hạ tầng hợp thành bởi 4 chỉ số thành phần là các khu/cụm công nghiệp; đường giao thông; những dịch vụ tiện ích cơ bản (viễn thông, năng lượng) và tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin. Một vấn đề nữa cũng cần quan tâm là qua điều tra của VCCI thì gần đây, một trở ngại mới đã nổi lên khiến doanh nghiệp lo ngại là trật tự xã hội và an ninh ở một số địa phương, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang và Tiền Giang. Tỉnh Bình Thuận tuy không nằm ở vùng này nhưng cũng có tỷ lệ doanh nghiệp bị trộm cắp đứng thứ 7 và tỷ lệ tài sản bị thiệt thại thứ 16 của cả nước.

Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2017 được VCCI thực hiện dựa trên phản hồi  của 10.245 doanh nghiệp tư nhân trong cả nước tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 2.003 doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2016 và 2017, 1.765 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến từ 47 quốc gia đang hoạt động tại 21 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Đây là sự tập hợp tiếng nói của doanh nghiệp về chất lượng điều hành và môi trường kinh doanh của địa phương.

Để Bình Thuận vươn lên về điểm số và thứ hạng cao hơn trong năm 2018 và những năm tiếp theo, thiết nghĩ người đứng đầu các ngành, các cấp phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt nhằm tạo sự chuyển biến căn bản, rõ nét về tư duy, nhận thức, quan điểm chỉ đạo và triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở cơ quan, đơn vị; quán triệt cho công chức, viên chức thuộc quyền về tinh thần, thái độ phục vụ doanh nghiệp. Duy trì định kỳ đối thoại với doanh nghiệp để gặp gỡ, lắng nghe và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cũng như tạo sự gần gũi, thân thiện giữa chính quyền và doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; công khai minh bạch, đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của mình trên website, nhất là thủ tục liên quan đến lĩnh vực đất đai, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận đất đai khi thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất. Triển khai hoạt động có hiệu quả Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh và huyện, góp phần giải quyết hồ sơ một cửa nhanh chóng, thuận tiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp…

Mặt khác cần có cơ chế chính sách thông thoáng, thuận lợi để thu hút đầu tư nhằm cải thiện chỉ số cơ sở hạ tầng đang là điểm yếu của Bình Thuận cũng như có giải pháp để chấn chỉnh và bảo đảm an ninh trật tự, bảo đảm tài sản cho doanh nghiệp yên tâm làm ăn phát triển sản xuất, kinh doanh.

THẾ NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đức Linh cần tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ, giải pháp để phát triển toàn diện
BTO-Đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chỉ đạo như vậy tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Linh, diễn ra sáng 25/4. Dự làm việc còn có đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhận diện điểm yếu để điều chỉnh