Theo dõi trên

Nhiều ý kiến góp ý về sửa Luật Báo chí

21/03/2016, 15:32

BTO- Luật Báo chí Việt Nam được ban hành đầu tiên vào năm 1989, sửa đổi bổ sung năm 1999. Qua 16 năm thi hành, Luật Báo chí đã bộc lộ nhiều hạn chế, không còn phù hợp thực tiễn cuộc sống và hoạt động báo chí.

Các phóng viên đang tác nghiệp. Ảnh minh họa

Báo chí Việt Nam đã xuất hiện nhiều loại hình truyền thông như: báo in, báo nói, báo hình, báo mạng và các loại hình như mạng xã hội (có đặc tính như báo chí). Do sự phát triển nhanh chóng của internet, một số loại hình báo chí truyền thống có xu hướng giảm. Để tồn tại và phát triển, các cơ quan báo chí ở Việt Nam có xu hướng tích hợp nhiều loại hình báo chí khác nhau trong cùng một tòa soạn.

Trong bối cảnh công nghệ thông tin và truyền thông phát triển mạnh mẽ, cách thức tiếp cận thông tin của người dân cũng thay đổi nhanh chóng. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh (smartphone) trong tay, bạn đọc có thể tiếp nhận mọi thông tin mới nhất trên báo chí. Đặc biệt người dân không muốn tiếp nhận thông tin một chiều, thụ động như trước, mà cần có thông tin nhiều chiều, có sự tương tác, phản hồi, hoặc chủ động đưa thông tin, nhất là trên mạng xã hội.

Để tạo điều kiện cho báo chí phát triển phải có một hành lang pháp lý phù hợp, đó là yêu cầu sửa Luật Báo chí. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận vừa có cuộc hội thảo góp ý cho Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi. Đây là lần góp ý cuối cùng cho dự luật, để trình kỳ họp lần thứ 11 Quốc hội khóa 13 xem xét thông qua. Nhiều ý kiến của các cơ quan báo chí tại Bình Thuận đã góp ý vào dự luật.

Tại Điều 39 Mục 2 Chương IV Dự luật quy định: “Các cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm cử người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ và đột xuất, bất thường”. Trên thực tế dù đã có quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng báo chí vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập thông tin từ các cơ quan nhà nước. Một số địa phương, cá nhân, đơn vị tìm mọi cách né tránh, không cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng lại không bị xử lý, chế tài gì.

Trong dự luật quy định: “Không được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”, nhưng lại không quy định xử lý tổ chức – cá nhân cản trở hoạt động báo chí.

Vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể chế độ cung cấp thông tin cho báo chí ngay tại luật, không để Chính phủ quy định bằng các văn bản dưới luật. Luật cần quy định cụ thể hình thức xử lý nếu không chịu cung cấp thông tin cho báo chí tác nghiệp đúng luật.

Vấn đề bản quyền trong hoạt động báo chí đang nhức nhối đối với báo chí Việt Nam. Các trang thông tin điện tử tổng hợp là đối tượng xâm phạm bản quyền nhiều nhất, thường xuyên, liên tục sao chép, xào xáo lại tin bài từ các báo khác. Trên thực tế có những trang tin điện tử chẳng sản xuất tin bài nào chỉ sao chép, xào xáo lại tin bài từ các báo khác, nhưng có lượng truy cập luôn nằm trong tóp 10 – 20 vượt xa nhiều báo điện tử lớn khác, gây bức xúc trong làng báo.

Tuy nhiên, Điều 60 về xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí dự luật đề cập rất ít và sơ sài vấn đề xử lý vi phạm bản quyền trong hoạt động báo chí. Đề nghị dự luật cần quy định cụ thể về quyền tác giả và xử lý vi phạm.

Công nghệ thông tin và truyền thông sẽ còn thay đổi chóng mặt, kéo theo sự thay đổi mạnh mẽ cách thức thông tin, truyền thông và cả cách thức tiếp nhận thông tin của nhân dân. Luật Báo chí sửa đổi như thế nào để không sớm lạc hậu so với đà phát triển mạnh mẽ nói trên? Đó là điều dư luận chờ đợi ở kỳ họp Quốc hội lần thứ 11 Khóa 13 vừa khai mạc.

Đ.D



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều ý kiến góp ý về sửa Luật Báo chí