Theo dõi trên

Nhìn sang tỉnh bạn

14/05/2020, 08:54 - Lượt đọc: 87

BTO- Sáng ngày 11/5 vừa qua, tại cảng quốc tế Vĩnh Tân (Tuy Phong) tập đoàn Trung Nam đã bốc dỡ, vận chuyển 2 máy siêu biến áp 500KV, có công suất tổng 1.800 MVA, với trọng lượng 1.500 tấn cùng các thiết bị truyền tải điện về công trường phục vụ dự án nhà máy điện mặt trời Thuận Nam. Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam được mua, nhập khẩu và lắp đặt máy biến áp cho hệ thống truyền tải điện công suất lớn (500KV).

Một dự án điện mặt trời ở Ninh Thuận. Ảnh IT

Hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận có nhiều nét tương đồng. Với đặc thù khí hậu nắng hạn kéo dài quanh năm, Ninh Thuận có tiềm năng lớn phát triển điện gió, điện mặt trời, Chính phủ đã đồng ý chủ trương phát triển Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

Nhưng Ninh Thuận cũng gặp không ít khó khăn trong việc giải phóng công suất của hàng trăm nhà máy năng lượng tái tạo đã đầu tư và sắp đầu tư. Có trên một nửa số dự án đang phải giảm phát điện đến 60% công suất, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho nhà đầu tư.

Để giải tỏa, Ninh Thuận đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương phương án lựa chọn nhà đầu tư triển khai dự án nhà máy điện mặt trời tại Thuận Nam, công suất 450 MW, kết hợp với đầu tư hạ tầng lưới điện truyền tải 500 KV đấu nối và truyền tải công suất các nhà máy khu vực lân cận vào hệ thống điện quốc gia.

Dự án này được tập đoàn Trung Nam triển khai với tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, gồm nhà máy điện mặt trời kết hợp trạm biến áp 220/500 KV và 17 km hệ thống đường dây truyền tải 500 KV kéo dài từ xã Phước Ninh (huyện Thuận Nam-Ninh Thuận ) đến xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong-Bình Thuận).

Hiện nay, các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước cũng như dư luận xã hội rất quan tâm tới phát triển năng lượng tái tạo. Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 là việc mở cửa, tạo điều kiện cho tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng (mà nếu chỉ có nhà nước thì không thể theo kịp). Sự kết hợp giữa nhà nước và tư nhân có thể tháo gỡ được nút thắt trong phát triển năng lượng ở Việt Nam.

Bình Thuận giàu tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo lên tới 25.000 MW, nhưng với hệ thống đường dây truyền tải và trạm biến áp hiện có (và cả theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến năm 2025) chỉ gần 11.000 MW, thì không thể giải phóng hết công suất các nhà máy điện gió, điện mặt trời đã và sắp đầu tư ở Bình Thuận. Dòng vốn đầu tư vào năng lượng tái tạo đã bị chặn lại do điện sạch làm ra không tiêu thụ được.

Để tháo gỡ "điểm nghẽn" này, Bình Thuận đang kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương đầu tư một số công trình truyền tải 500 KV, 220 KV, đồng thời cải tạo, nâng cấp hệ thống truyền tải và trạm biến áp hiện có. Tuy nhiên nếu nhà nước còn độc quyền truyền tải điện, EVN thiếu nguồn lực để phát triển hạ tầng lưới điện, thì không thể bắt kịp nhu cầu phát triển.

Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị cùng cách làm thực tế của tỉnh Ninh Thuận, tạo điều kiện cho tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, là một gợi mở cho Bình Thuận nói riêng, Việt Nam nói chung trong việc gỡ "nút thắt" về phát triển năng lượng.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhìn sang tỉnh bạn