Theo dõi trên

Những lời khuyên bảo sâu sắc, chân tình của nhà báo Hồ Chí Minh

18/05/2020, 16:05

BTO-Sinh thời, Bác Hồ tự nhận là "Một người có nhiều duyên nợ với báo chí". Người từng sáng lập nhiều tờ báo cách mạng, đào tạo và giáo dục cả một thế hệ các nhà báo ưu tú và trực tiếp viết hàng ngàn bài báo dưới nhiều bút danh khác nhau, trong các giai đoạn cách mạng khác nhau. Những lời khuyên bảo sâu sắc và chân tình của nhà báo mẫu mực và từng trải Hồ Chí Minh, giúp những người làm báo Việt Nam nhận thức đầy đủ hơn vinh dự, trách nhiệm và lương tâm của một nhà báo cách mạng.

Bác Hồ tặng hoa cho các Nhà báo. Ảnh IT

Ngày 8/9/1962, nói chuyện tại Đại hội lần thứ ba của Hội Nhà báo Việt Nam, Bác nói: "Các báo cũng cần khuyến khích quần chúng giúp ý kiến, phê bình báo mình để tiến bộ mãi, sẵn đây nếu các cô, các chú đồng ý thì Bác xung phong phê bình các báo.

-Bài báo thường quá dài, "dây cà ra dây muống", không hợp với trình độ và thời giờ của quần chúng.

-Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta.

-Đưa tin tức hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng.

-Thiếu cân đối, tin nên dài thì viết ngắn, nên ngắn lại viết dài, nên để sau thì để trước, nên để trước lại để sau.

-Lộ bí mật.

-Có khi quá lố bịch.

-Khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều, và nhiều khi dùng không đúng."

Tiếp đó, Bác căn dặn các nhà báo muốn tiến bộ, muốn viết hay, thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện. Bác nói:

"Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Báo chí ta đã có một địa vị quan trọng trong dư luận thế giới. Địch rất chú ý, bạn rất quan tâm đến báo chí ta. Cho nên làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết.

Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi:

Viết cho ai xem?

Viết để làm gì?

Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc?"

Là một nhà báo từng trải, đã viết hàng ngàn bài báo, Bác có những lời khuyên bảo sâu sắc, chân tình với những người cầm bút:

"Muốn viết bài báo cho khá thì cần:

1.Gần gụi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực.

2. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người.

3. Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận."

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, báo chí được Người sử dụng như một vũ khí sắc bén, nhằm tuyên truyền, giác ngộ, tổ chức quần chúng thực hiện hàng loạt nhiệm vụ to lớn mà cách mạng đặt ra trong từng thời kỳ. Người căn dặn những người làm báo:

 "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén...Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà".

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những lời khuyên bảo sâu sắc, chân tình của nhà báo Hồ Chí Minh