Theo dõi trên

Những tín hiệu tốt cho Bình Thuận

28/04/2017, 08:02

BT- Tuần qua, quyết định dừng dự án thép Cà Ná (Ninh Thuận) của Thủ tướng Chính phủ được dư luận đồng tình ủng hộ, nhất là nhân dân các tỉnh Nam Trung bộ trong đó có Bình Thuận. Nhiều người quan tâm đến dự án này đã thở phào nhẹ nhõm, như vừa trút được một gánh nặng. Dường như Chính phủ đang thể hiện cam kết: “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng” bằng hành động cụ thể.

Thủ tướng yêu cầu tạm dừng dự án thép Cà Ná. Ảnh minh họa: PLO

Tuần qua, dư luận cũng quan tâm theo dõi kết quả chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ tại Bình Thuận, nhân Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017. Không chỉ chờ đợi các kiến nghị của Bình Thuận sẽ được Thủ tướng chỉ đạo giải quyết ra sao, mà còn hy vọng Chính phủ sẽ giúp Bình Thuận hoạch định rõ nét hơn đường lối phát triển trong tương lai.

Trong xu thế hội nhập, phân công, hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng, việc lựa chọn chiến lược phát triển của mỗi quốc gia, mỗi tỉnh - thành không thể dàn đều mà phải tập trung vào một số ngành - lĩnh vực có lợi thế so sánh. Vậy lợi thế so sánh của Bình Thuận là gì? Như Thủ tướng nhìn nhận: Bình Thuận có nhiều tiềm năng để trở thành một tỉnh giàu mạnh, là nơi có nhiều gió nhất, nhiều nắng nhất, nhiều titan nhất, có bờ biển dài và đẹp, quanh năm ấm áp, ít bị bão lụt, đủ điều kiện trở thành một trung tâm du lịch, một trung tâm năng lượng sạch, một trung tâm chế biến sâu titan.

Nhưng muốn trở thành một trung tâm du lịch quốc tế thì khi thu hút đầu tư không nên đưa các dự án công nghiệp nặng vào, nhất là nhiệt điện than. Ngành “công nghiệp không khói” và công nghiệp có khói không thể “kề vai sát cánh” bên nhau trong một vùng biển được. Thực tế khi môi trường biển bị ô nhiễm (đến cá cũng chết) thì chẳng còn ai dám đến đó tắm biển nữa.

Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu Bình Thuận phải nâng cao chất lượng quy hoạch, không để quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, các sản phẩm mâu thuẫn, phá hoại, triệt tiêu nhau. Cụ thể Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ công thương: sắp tới không được đưa nhiệt điện than vào Bình Thuận nữa. Đồng thời giám sát chặt chẽ tác động môi trường ở trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân… Nghe thông tin này chắc rằng nhiều người thở phào nhẹ nhõm (giống như nghe tin Chính phủ dừng dự án thép Cà Ná vậy).

Không đưa nhiệt điện than vào Bình Thuận nữa, nhưng Thủ tướng vẫn khẳng định chủ trương của Chính phủ xây dựng Bình Thuận thành một trung tâm năng lượng sạch của Việt Nam (không chỉ điện gió, điện mặt trời, mà cả điện khí). Thủ tướng cho biết: Chính phủ vừa có Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4-NV về cơ chế khuyến khích các dự án điện mặt trời ở Việt Nam (theo QĐ này từ ngày 1/6 tới giá mua điện mặt trời là 2.086 đồng/kWh, tương đương 9,35 cent/kWh, cùng nhiều ưu đãi về thuế, vốn, đất đai - NV), ngay sau đó đã có hàng chục dự án điện mặt trời đăng ký đầu tư vào Bình Thuận. Sắp tới, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh giá điện gió (điện gió đang bán cho EVN giá 7,8 cent/kWh-NV).

Là vùng “thiếu mưa thừa nắng” Bình Thuận có lợi thế phát triển điện mặt trời, với tổng công suất tiềm năng lên đến 5.000 MW. Đến nay mới có 3 dự án điện mặt trời được cấp GCNĐT tại Vĩnh Hảo (Tuy Phong) tổng công suất 90 MW, vài chục dự án còn lại đang thăm dò, khảo sát, chờ chính sách.

Tương tự, tiềm năng điện gió Bình Thuận cũng rất lớn, với công suất tiềm năng trên 5.000MW. Nhưng do “nút thắt” giá mua hiện mới có 3 dự án điện gió ở Bình Thuận hoạt động (tổng công suất 60MW), trên tổng số 19 dự án đăng ký đầu tư với tổng công suất 1.200MW.

 Quyết định điều chỉnh giá mua điện mặt trời là “cú hích” các nhà đầu tư. Ngay tại hội nghị xúc tiến đầu tư sáng 19/4, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bình Thuận đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho hàng loạt dự án như: dự án điện mặt trời (ĐMT) Vĩnh Hảo (30MW), dự án ĐMT Eco Seido Tuy Phong giai đoạn 1 (40MW), dự án ĐMT VSP Bình Thuận (30MW), nhà máy ĐMT Hồng Phong 1, ĐMT Hồng Phong 2, dự án nhà máy điện gió Thái Phong (14,5MW), điện gió Thái Hòa (30MW), điện gió Hàm Kiệm (15MW), điện gió Hòa Thắng (100MW)…

 Trong lúc thủy điện gây xả lũ, phá rừng, nhiệt điện than gây ô nhiễm, điện nguyên tử thì đã dừng. Việt Nam cần phát triển điện gió, điện mặt trời, điện khí để giải bài toán thiếu hụt điện. Chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ mang tới những tín hiệu tốt về một sự phát triển bền vững cho quê hương Bình Thuận.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những tín hiệu tốt cho Bình Thuận