Theo dõi trên

Những “tuabin xanh” trên biển khơi

20/11/2020, 08:44 - Lượt đọc: 6

BT- Tuần qua, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội của Bình Thuận đã làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại Hà Nội, bàn giải pháp phát huy các tiềm năng sẵn có đưa Bình Thuận trở thành một trung tâm năng lượng của đất nước, phát triển năng lượng thành ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Thuận.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao những nỗ lực của Bình Thuận trong phát triển các dự án năng lượng sạch điện gió, điện mặt trời, Bộ Công Thương sẽ ủng hộ Bình Thuận trở thành một trung tâm năng lượng của đất nước, cũng như ủng hộ quan điểm ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo của Bình Thuận.

Có 75 dự án năng lượng mà Bình Thuận đề nghị Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2035 (Quy hoạch điện VIII), dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 12/2020.

Đối với điện gió, Bình Thuận đề xuất đưa 11 dự án (3 dự án trên đất liền và 8 dự án ngoài khơi) vào quy hoạch, trong đó 2 dự án FDI là Thăng Long Wind và ngoài khơi La Gàn có công suất 3.400 - 3.500 MW, vốn đầu tư hàng chục tỷ USD mỗi dự án. Biển Bình Thuận có tốc độ gió cao và ổn định, đang thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế. Đây là nguồn năng lượng tái tạo chủ lực, bởi có hiệu quả vượt trội, số giờ vận hành cao, điện phát ra lớn không thua kém các dự án nhiệt điện than - khí. Thời gian tới Bình Thuận sẽ chú trọng hợp tác với các đối tác phát triển các dự án điện gió ngoài khơi.

Đối với điện mặt trời, 2 năm qua có sự bùng nổ các dự án do Bình Thuận có bức xạ nhiệt cao và ổn định, có tới 62 dự án điện mặt trời Bình Thuận đề xuất bổ sung vào quy hoạch điện VIII, với tổng công suất 3.371 MW. Một xu thế mới là khai thác tiềm năng mặt nước của các hồ thủy lợi, thủy điện, đầm nuôi tôm, khu nước lợ, rừng ngập mặn lâu nay bỏ hoang hóa để làm điện mặt trời nổi, bởi đất chật người đông, chi phí giải phóng mặt bằng, thuê đất (hay mua đất) ngày càng cao. Nhiều dự án lắp đặt giàn pin mặt trời trên các hồ thủy lợi, thủy điện ở Bình Thuận đang được xúc tiến.

Đối với dự án điện khí, ngoài Trung tâm điện lực Sơn Mỹ (công suất 4.500 MW) đã có trong quy hoạch điện VII, dự án điện khí LNG mũi Kê Gà có công suất 3.600 MW, vốn đầu tư 4,2 tỷ USD cũng được đề xuất bổ sung vào quy hoạch điện lực quốc gia.

Nói thêm về nhiệt điện than, các năm qua Bình Thuận đã nhiều lần kiến nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường đưa Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân (hơn 6.000 MW) vào chương trình giám sát đặc biệt về môi trường. Do các nhà máy nhiệt điện than gây ô nhiễm, làm ảnh hưởng đời sống nhân dân xung quanh nhà máy, nên việc phát triển thêm các nhà máy điện than sẽ không nhận được sự ủng hộ của người dân địa phương nơi dự kiến xây dựng nhà máy. Mặt khác lượng tro xỉ tồn dư từ Trung tâm điện lực Vĩnh Tân ngày càng lớn, ảnh hưởng tới môi trường. Tại buổi làm việc với tỉnh Bình Thuận năm 2016, khi nói về Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: “Tôi đề nghị anh Trần Tuấn Anh (Bộ trưởng Bộ Công Thương-NV) không đưa nhiệt điện than vào Bình Thuận nữa, vì ở đây có điều kiện phát triển năng lượng tái tạo”. Mới đây trả lời phỏng vấn của báo Bình Thuận sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An cũng khẳng định dứt khoát: “Không chấp nhận thêm bất kỳ dự án nhiệt điện than nào nữa”. Đồng thời Bình Thuận sẽ có kế hoạch yêu cầu các nhà máy nhiệt điện than tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân tiến hành đổi mới công nghệ, để bảo vệ môi trường.

Nghị quyết 55-NQ/TW (tháng 2/2020) của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đã xác định mục tiêu “nâng tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030, từ 25 - 30% vào năm 2045”. Theo đó sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá, khuyến khích phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo, song song đó hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng, địa phương có lợi thế.

Bình Thuận đang góp phần thực hiện định hướng chiến lược phát triển bền vững năng lượng của đất nước. Tương lai của Bình Thuận không chỉ có “thủ đô resort”,  hay là “vương quốc thanh long”, mà còn là xứ sở của những “tuabin xanh” trên biển khơi.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những “tuabin xanh” trên biển khơi