Theo dõi trên

 Nỗ lực ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng

05/01/2016, 07:46

BT- Năm 2015, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí đã có những chuyển biến cả về nhận thức, hành động và đạt được những kết quả bước đầu. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng, lãng phí đã từng bước được kiềm chế. Số vụ tham nhũng, tiêu cực phát hiện giảm 12 vụ (giảm 50% so năm 2014); số vụ phát hiện qua tự kiểm tra tăng nhiều so với năm 2014 (41,6% so với 16,6%).

Tuy nhiên, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra, tình hình tham nhũng, tiêu cực còn diễn biến phức tạp. Tham nhũng không chỉ tiếp tục xảy ra nhiều trong lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách, đất đai mà cả những lĩnh vực khác như thi hành án dân sự, kiểm soát lâm sản, xử lý vi phạm… Sai phạm xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành; có vụ gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản (vụ Bùi Ngọc Nam ở Công ty XSKT Bình Thuận làm thiệt hại trên 10,5 tỷ đồng). Một số vụ xử lý thiếu kiên quyết như vụ đấu thầu đất dự phòng Đức Bình - Tánh Linh, vụ Võ Đức Lư – Chủ tịch UBND xã Tân Lập, vụ Ngô Văn Phong - Phó Giám đốc Xí nghiệp Lâm nghiệp Hàm Thuận Nam, Hợp tác xã nông nghiệp Thái Hòa. Tài sản thiệt hại do tiêu cực tham nhũng tăng 2,4 lần nhưng thu hồi còn thấp, chỉ đạt 32,6% thiệt hại.

Phòng chống tham nhũng, lãng phí là công việc khó khăn, phức tạp, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, do vậy thời gian tới các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cần tổ chức quán triệt sâu kỹ nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và các quy định pháp luật. Tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân chủ trương mua tin phục vụ phòng, chống tham nhũng, động viên tinh thần trách nhiệm, tính tích cực của đảng viên, đoàn viên, hội viên trong việc phát hiện, tố giác hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Như đã xác định, phòng chống tham nhũng là công việc khó khăn, phức tạp do vậy cần triển khai đồng bộ các biện pháp. Trước hết là thực hiện tốt việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đây là biện pháp quan trọng đầu tiên để ngăn ngừa tham nhũng. Công khai, minh bạch sẽ tạo điều kiện để người dân cũng như toàn xã hội tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước; làm cho công chức có ý thức hơn trong thực hiện chức trách, công vụ của mình theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền mà pháp luật quy định, bởi mọi hành vi vi phạm, phiền hà, sách nhiễu hay lợi dụng chức trách để tư lợi đều có thể bị phát hiện và xử lý. Cùng với công khai minh bạch cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trước hết là cải cách thủ tục hành chính; triển khai tốt việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập; thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng; có quy định cụ thể để điều chuyển, thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý có nhiều dư luận, biểu hiện tham nhũng, lãng phí, uy tín giảm sút, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Tiến độ xử lý vụ việc của một số địa phương, đơn vị thời gian qua còn kéo dài, gây dư luận không tốt. Vì vậy cần chỉ đạo quyết liệt việc đẩy nhanh xử lý các vụ việc tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội quan tâm. Tập trung kiểm tra, thanh tra đối với một số lĩnh vực trọng điểm như quản lý ngân sách, đất đai, các dự án, xây dựng cơ bản, công tác cán bộ, thi hành án, văn phòng “một cửa”; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, gây lãng phí. 

Một giải pháp cũng rất quan trọng nữa là tăng cường vai trò giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân trong phòng chống tham nhũng, lãng phí. Thực hiện quy chế về việc nhân dân giám sát tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên. Có biện pháp bảo vệ an toàn và kịp thời biểu dương, khen thưởng những cán bộ, đảng viên, người dân dũng cảm tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng, lãng phí và những tập thể, cá nhân có thành tích đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.

HỒNG LÊ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
 Nỗ lực ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng