Theo dõi trên

Nỗi niềm tỉnh lẻ

17/11/2017, 08:21

BT- Mới đây, tôi có dịp tham dự lễ tốt nghiệp bác sĩ y khoa niên khóa 2011 - 2017 của Trường Đại học Y dược TP.HCM. Trên “bảng vàng” đặt trước giảng đường vinh danh 10 tân bác sĩ thủ khoa của trường, có 2 em là người Bình Thuận. Trong đó em Đoàn Minh Yên Hà (ở TX La Gi) điểm trung bình 8,23 đứng đầu danh sách các thủ khoa, và em Trần Thị Ngọc Mai (ở TP. Phan Thiết) điểm trung bình 7,97.

Ảnh minh họa

Trong hàng chục ngàn sĩ tử cả nước chen chân vào Đại học Y dược TP. HCM khóa 2011 - 2017, chỉ có hơn 600 em lọt qua “khe cửa hẹp” để hôm nay trở thành bác sĩ. Trong 10 thủ khoa có kết quả học tập đứng đầu hơn 600 tân bác sĩ ấy, lại có 2 em người Bình Thuận - điều đó đáng tự hào lắm chứ, chứng tỏ về học tập con em Bình Thuận “không phải dạng vừa đâu”, không chỉ ở Đại học Y dược TP. HCM, mà cả nhiều trường đại học hàng đầu khác.

Tôi được biết 2 bác sĩ thủ khoa người Bình Thuận trên cũng vừa thi đậu hệ bác sĩ nội trú của Đại học Y dược TP. HCM, có nghĩa các em sẽ tiếp tục học hành thêm 3 năm nữa. Và với tấm bằng “bác sĩ nội trú” thì khi ra trường rất ít khả năng các em trở về Bình Thuận làm việc, do cơ hội tìm được việc làm tốt tại TP. HCM rất cao.

Vấn đề con em học hành đỗ đạt thành tài không trở về quê hương mà ở lại TP. HCM, từng làm “đau đầu” nhiều địa phương chứ không riêng gì Bình Thuận. Có người gọi đó là “nỗi niềm tỉnh lẻ”. Nhiều chính sách ưu đãi thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về tỉnh được áp dụng, nhưng hiệu quả rất hạn chế, ngành y tế cũng không ngoại lệ.

Đặc thù đào tạo ngành y “đầu vào” rất hẹp do điểm chuẩn quá cao, thời gian học lại dài từ 6 - 8 năm, nên số lượng sinh viên Bình Thuận theo học các trường y trên cả nước không nhiều. Sau khi ra trường, rất nhiều bác sĩ trẻ ở lại thành phố hoặc tiếp tục học lên cao hơn, chứ không về quê công tác.

Trong khi đó nhiều bệnh viện công ở Bình Thuận đang quá tải vì thiếu bác sĩ. Nhiều trạm y tế xã đang thiếu bác sĩ. Trong lần về Bình Thuận làm việc tháng 5/2017, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Bình Thuận tăng cường đào tạo bác sĩ, vì tỷ lệ bác sĩ của tỉnh (6,4 bác sĩ/vạn dân) còn thấp. Sở Nội vụ cho biết tỉnh đang thiếu bác sĩ, có giai đoạn 5 - 7 năm không có bác sĩ nào ra trường về tỉnh làm việc, trong khi suốt thời gian ấy nhiều bác sĩ đến tuổi nghỉ hưu theo chế độ.

Tình trạng “chảy máu chất xám” làm cho các bệnh viện công thiếu bác sĩ trầm trọng hơn. Có năm tuyển được 10 bác sĩ về tỉnh làm việc (đa phần dạng đào tạo theo địa chỉ), nhưng lại có 9 bác sĩ bệnh viện công nghỉ việc. Áp lực “lương thấp, trách nhiệm cao” ở bệnh viện công khiến hàng loạt bác sĩ bỏ việc sang bệnh viện tư, phần lớn số đó là bác sĩ giỏi, có nhiều năm kinh nghiệm. Điều đó ảnh hưởng nhất định tới chất lượng khám chữa bệnh ở các bệnh viện công.

Đào tạo theo địa chỉ được xem là “cứu cánh” cho tình trạng thiếu bác sĩ hiện nay. Mỗi sinh viên ngành y đào tạo dạng này thì mỗi năm tỉnh phải chi 30 triệu đồng tiền học phí nuôi ăn học, 6 năm là 180 triệu đồng. Trường hợp nào tốt nghiệp bác sĩ không về tỉnh làm việc thì phải nộp 360 triệu đồng (gấp đôi mức trợ cấp) để bồi hoàn hợp đồng. Thế nhưng nhiều trường hợp bác sĩ sẵn sàng “nộp phạt”, nhiều cơ sở y tế tư nhân ở TP. HCM cũng sẵn lòng ứng tiền nộp phạt để lôi kéo bác sĩ về làm việc.

Một bác sĩ muốn khám chữa bệnh được phải học hành 6-8 năm, nhưng lại chỉ được trả lương theo hệ số cơ bản như người vừa tốt nghiệp đại học hệ 4 năm, là bất hợp lý (dù Bộ Y tế cũng đã kiến nghị). Tôi biết một bác sĩ trẻ vừa “nhảy” vào TP. HCM dù mới sau 3 tháng về làm ở một bệnh viện ở Bình Thuận, lý do lương thấp không đủ sống, nghe nói bệnh viện tư H.M ở TP. HCM ban đầu trả lương bác sĩ ấy 10 triệu đồng/tháng. Bác sĩ này thuộc dạng đào tạo theo địa chỉ nên Sở Nội vụ đã phát văn bản yêu cầu cô ấy trở về tỉnh làm việc, nhưng tới nay chưa về (và chắc là không về). Tình trạng này khá phổ biến, nhiều tỉnh - thành cực chẳng đã phải kiện “hiền tài” ra tòa buộc bồi hoàn hợp đồng.

 “Nỗi niềm tỉnh lẻ” kể trên chẳng riêng y tế mà các lĩnh vực khác cũng gặp phải. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, Bình Thuận cũng đang thu hút không ít doanh nhân, nhà đầu tư ở trong và ngoài nước về đây sinh sống, lập nghiệp. Rất nhiều lao động trẻ có trình độ đại học từ các tỉnh miền Trung đã vào Bình Thuận làm việc. Dù vậy ai cũng mong Bình Thuận có một chính sách dài hơi để thu hút nhiều hơn con em đã học hành đỗ đạt thành tài, trở về xây dựng quê hương.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗi niềm tỉnh lẻ