Theo dõi trên

Phá hoại sinh kế của bao người khác

29/11/2019, 14:17

BTO-Sau bài báo: "Xẻ thịt chim yến - chuyện nóng ở La Gi" của tác giả Hồ Nhật trên Báo Bình Thuận, dư luận không khỏi lo lắng bởi đây không chỉ là chuyện bảo vệ thiên nhiên, chim chóc, mà còn liên quan sát sườn đến sinh kế của biết bao gia đình đang nuôi yến.

Chim yến xẻ thịt đóng gói với nhãn hiệu "chim sẻ". Ảnh: Hồ Nhật

Chuyện là vào dịp lễ hội Dinh Thầy Thím vừa rồi, hàng chục người đã đi giăng lưới bắt chim phóng sinh (trong đó có chim yến). Nghe nói mỗi giờ giăng lưới ở động cát ven biển, người ta có thể bắt được cả ngàn con yến. Yến bắt được nhiều quá, bán phóng sinh không hết, nên người ta bán cho các chủ lò mổ làm thịt đóng gói đông lạnh, dán nhãn hiệu "chim sẻ" bán đi tận TP HCM, các tỉnh phía Bắc. Tuy giá bán mỗi con yến chỉ 500-700 đồng nhưng bẫy được số lượng lớn nên nghề này dễ kiếm tiền. Nhưng số lượng đàn yến hao hụt dần thì nghề nuôi yến tất yếu sa sút cho tới khi phá sản.

Bình Thuận có hàng ngàn cơ sở nuôi yến, rải khắp các huyện - thị xã - TP, mỗi nhà yến người nuôi phải đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng (chưa kể đất đai), rồi đầu tư kỹ thuật, công sức dẫn dụ đàn yến về làm tổ. Dù không phải ai nuôi yến cũng thành công, nhưng nghề nuôi yến đang đem lại thu nhập khá cho rất nhiều gia đình. Nếu việc giăng lưới bắt yến đem bán ở La Gi lan rộng sang các huyện, thị khác, thì chắc chắn nghề nuôi yến của Bình Thuận sẽ chịu tổn thất lớn.

Tìm hiểu được biết không chỉ ở Bình Thuận mà cộng đồng nuôi yến ở nhiều tỉnh - thành khác như Phú Yên, Khánh Hòa, Đồng Nai, TP HCM cũng bứa xúc vì nạn săn bắt chim yến để phóng sinh hoặc bán cho các nhà hàng, quán nhậu (Người ta đồn đại rằng tổ yến bổ, nên thịt yến cũng bổ dưỡng). Thậm chí Chi hội yến sào ở Cam Ranh, ở Kiên Giang đã phải họp khẩn cầu cứu chính quyền, vì người ta giăng lưới sát nhà nuôi yến để hốt trọn ổ cả đàn yến. Tỉnh Khánh Hòa đã phải ban hành quy định về bảo vệ chim yến, trong đó nghiêm cấm hành vi săn bắt chim yến.

Nói tóm lại, mâu thuẫn lợi ích đang phát sinh gay gắt giữa một bên là người đầu tư đất đai, tiền bạc, công sức để làm nhà nuôi yến và một bên là những người đi săn bắt đàn yến bán lấy tiền. Để giải quyết mâu thuẫn này, bảo vệ nghề nuôi yến, dư luận yêu cầu chính quyền phải vào cuộc, có biện pháp xử lý những người săn bắt yến trái phép. Các lò mổ thu mua yến để kinh doanh cũng cần có biện pháp, các nhà hàng, quán nhậu cũng không nên buôn bán thịt chim yến.

Những người mua chim yến để phóng sinh cũng cần biết rằng họ đang tiếp tay cho sự phá hoại sinh kế của biết bao người lao động khác.

Khôi Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phá hoại sinh kế của bao người khác