Phải nhờ công nghệ thông tin
Phải nhờ công nghệ thông tin
BT- Thời điểm này, các cơ quan, đơn
vị trong tỉnh đều đã và đang lo tổng kết năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021
và câu chuyện thiếu người hầu như đều được nhắc đến để chứng minh cho nguyên
nhân dẫn đến kết quả. Với các ngành, lĩnh vực chuyên môn, do ít người mà nhiều
việc, nếu có sai sót, còn có cơ hội sửa sai được thì chưa nghiêm trọng lắm.
Nhưng với các cơ quan thuộc quyền lực thứ 3 là tư pháp thì việc thiếu người
không khác nào như đi xiếc trên dây nên không được phép sai lầm, dù nhỏ nhất.
Vì chỉ một sơ sẩy thôi cũng khiến
bản chất sự việc khác đi, tạo ra oan khuất hoặc bỏ lọt tội phạm, đẩy sinh mệnh
con người vào ngõ cụt lẫn tiếp tay cho cái xấu có cơ hội tiếp diễn…
Và thực tế đang diễn ra là các cơ
quan thuộc quyền lực thứ 3 này tại tỉnh đều trong cảnh vụ án, vụ việc nảy sinh
quá nhiều so với sức giải quyết của số cán bộ, thẩm phán, kiểm sát viên, điều
tra viên… hiện có. Như tại Tòa án nhân dân hai cấp của tỉnh hiện có 189 thẩm
phán, thẩm tra viên chính, thư ký viên và công chức khác nhưng trong năm 2020,
số vụ án đã thụ lý lên đến 10.288 vụ, việc; trong đó đã giải quyết 8.699 vụ,
việc các loại. Tính ra bình quân mỗi thẩm phán giải quyết 7,79 vụ/tháng, nhưng
vẫn mới đạt tỷ lệ 84,55% so tổng vụ, việc, trong khi theo quy định mỗi thẩm phán
chỉ giải quyết khoảng 4 - 5 vụ/tháng. Bên Thi hành án cũng không ngoại lệ, khi
trong hội nghị tổng kết vừa rồi đã kiến nghị trước tiên về vấn đề thiếu nhân
lực, gây quá tải khi khối lượng công việc quá lớn, lại phức tạp, dây dưa. Còn
Viện Kiểm sát hai cấp cũng chỉ có 197 cán bộ, kiểm sát viên… nhưng năm rồi đã
thụ lý đến 2.372 tin báo; án hình sự đã kiểm sát điều tra 1.586 vụ, truy tố
1.084 vụ; còn án hành chính, dân sự, hôn nhân gia đình... đã kiểm sát gần 9.000
vụ, việc…
Có lẽ, đấy là lý do khiến tiếng vỗ
tay vang lên cùng sự phấn khởi của bao nhiêu người dự Hội nghị triển khai nhiệm
vụ năm 2021 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh hôm ấy, khi Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn
An đồng ý đề xuất trang bị máy chiếu tại tất cả các phòng xử án trên địa bàn
tỉnh. Theo phân tích của Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao Nguyễn Quang
Dũng, máy chiếu đó chỉ khoảng 10 triệu đồng nhưng giá trị mà nó mang lại không
nhỏ. Đó là giúp cho tất cả những ai tham dự phiên tòa đều có thể nhìn thấy rõ
tất cả những tài liệu, chứng cứ một cách hệ thống nhất, sinh động nhất, giúp
việc tranh tụng tại tòa đạt hiệu quả cao. Và để làm được điều đó, mỗi kiểm sát
viên phải nâng cao trình độ công nghệ thông tin, để thu thập chứng cứ điện tử,
số hóa hồ sơ vụ án và có thể truy xuất nhanh tại tòa. Thêm nữa, nếu vụ án có kéo
dài vì nhiều lý do thì việc tìm kiếm hồ sơ cũng dễ và thuận lợi. Trong cảnh một
người làm công việc gấp rưỡi, gấp đôi so với trước thì chỉ có cách ứng dụng công
nghệ thông tin thì mới nâng cao năng suất lao động được.
Trong khi đó, Tòa án nhân dân hai
cấp của tỉnh, nơi được xem là quan trọng, quyết định cuối cùng bảo đảm không bị
oan sai, không bỏ lọt tội phạm thì đang từng bước ứng dụng công nghệ thông tin.
Hiện tại, tòa án nhân dân hai cấp đã công bố bản án, quyết định trên Cổng thông
tin điện tử Công bố bản án, quyết định của Tòa án nhân dân tối cao; đã tiếp nhận
đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ, cấp tống đạt, thông báo văn bản tố tụng qua
mạng. Đồng thời, tòa án hai cấp cũng đang hướng đến xây dựng tòa án điện tử, tức
khi ấy người dân có thể ngồi ở nhà để tham gia xét xử qua internet, mà không
phải tới tòa…
B.N