Theo dõi trên

Phải quyết liệt  chống lạm thu

06/09/2016, 08:18

BT - Mặc dù thời gian gần đây, ngành giáo dục đã đưa ra những quy định về chống lạm thu, nhưng trong thực tế vấn đề này luôn được các trường “lách” dưới nhiều hình thức khác nhau khiến nhiều phụ huynh bức xúc. Cứ mỗi mùa tựu trường, nhiều phụ huynh lại canh cánh mối lo tiền trường như tiền học phí, tiền ăn bán trú, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện, tiền nước uống, quỹ cha mẹ học sinh, tiền mua quạt, lắp điều hòa, rèm cửa, tiền photo, in giấy thi, chăm sóc cây xanh, vệ sinh, giám thị... trong đó có nhiều khoản “lạm thu”; các trường học, lớp học học sinh càng nhỏ lạm thu càng nhiều. Cách đây mấy năm, nhiều trường tiểu học ở Phan Thiết cũng đã xảy ra tình trạng lạm thu quá đà khiến Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các trường hoàn trả lại cho phụ huynh số tiền trên 3 tỷ đồng và xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan.

Sở dĩ lạm thu vẫn còn đất sống, trước hết về phía phụ huynh nhiều người cho rằng tuy rất bức xúc nhưng họ vẫn chịu đựng “nộp đủ” vì hai chữ bình yên. Những người dám đứng ra phản đối gay gắt tình trạng lạm thu ở các trường có thể thấy chỉ là số ít; nhiều người đồng cảm, chia sẻ với họ nhưng họ vẫn nộp tiền cho xong, để con họ có một năm yên ổn học tập. Về phía các cơ quan quản lý chưa có giải pháp mạnh để xử lý một cách triệt để nghiêm túc, thậm chí còn bao che, làm ngơ khi cho rằng có lạm thu là do tiền từ ngân sách không đủ để hoạt động, cần phải “xã hội hóa”.

Bước vào năm học mới 2016 - 2017, học phí các cấp học đều tăng đã là gánh nặng đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn và đông con đi học. Mục đích của tăng học phí năm nay là để góp phần khắc phục được tình trạng lạm thu, nếu để tình trạng lạm thu tiếp tục xảy ra sẽ là “khó chồng khó” cho phụ huynh học sinh. Do vậy chống lạm thu phải là vấn đề được quan tâm chỉ đạo ngay từ đầu và quyết liệt của các cơ quan quản lý giáo dục và cấp ủy, chính quyền địa phương.

Được biết ở nhiều địa phương sau khi áp dụng mức học phí mới, ngành giáo dục đã có công văn về việc hướng dẫn tăng cường công tác quản lý thu chi đầu năm học 2016 – 2017, quy định và hướng dẫn thu - chi các khoản như học phí, các khoản thu học phí, các khoản thu tự nguyện, quy định về đồng phục... Đối với các khoản thu khác như khoản thu đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị nhà trường phải thực hiện theo nguyên tắc không ép buộc hoặc bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh học sinh. Nhà trường chỉ được tiến hành vận động, thực hiện sau khi có sự đồng ý của cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp. Nhà trường không được thực hiện hoặc đề nghị Ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện các khoản thu khác từ phụ huynh học sinh dưới bất kỳ hình thức nào. Ban đại diện cha mẹ học sinh tuyệt đối không được vận động quyên góp từ cha mẹ học sinh hoặc người học các khoản như: Bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường, mua sắm máy móc, trang thiết bị đồ dùng dạy học cho nhà trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường…

Ngay từ đầu năm học, ngành giáo dục cần tổ chức các đoàn thanh, kiểm  tra, giám sát việc thu đầu năm tại các trường để phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra trường hợp lạm thu. Tuyên truyền để người dân hiểu được những khoản nào là “lạm thu”, để từ đó phụ huynh học sinh có quyền từ chối đóng góp các khoản thu sai, đồng thời thông báo với các cơ quan chức năng để xử lý vi phạm.

Trước tình hình lạm thu, một số chuyên gia về giáo dục cho rằng cần thành lập “Hội đồng giám sát cộng đồng” với các thành viên là đại diện hội cha mẹ học sinh, đại diện hội cựu giáo chức, hội khuyến học, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ xã - phường - thị trấn. Hội đồng này sẽ giám sát việc sử dụng và quản lý các khoản tiền do cha mẹ học sinh đóng góp. Nếu phát hiện những sai phạm, hội đồng có quyền yêu cầu nhà trường làm rõ. Đây là mô hình hay cần được ủng hộ vì nó sẽ góp phần làm cho việc thu chi trong nhà trường minh bạch, hợp lý, hiệu quả. Hội đồng giám sát sẽ giúp minh bạch các khoản thu chi, làm cho phụ huynh hiểu rõ món tiền đóng góp dùng để làm gì, có phục vụ cho con em mình hay không. Nếu làm được điều này, tin rằng việc xã hội hóa hay tự nguyện sẽ được xã hội ủng hộ.

HỒNG LÊ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phải quyết liệt  chống lạm thu