Theo dõi trên

Phát huy hiệu quả các nguồn lực

22/08/2019, 10:15

BT- Thời gian qua, việc quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế bao gồm: Nhân lực, vật lực và tài lực đã có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, phát triển và hội nhập của Bình Thuận.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Việc phân bổ và sử dụng các nguồn lực chưa hợp lý, hiệu quả chưa cao, nhiều trường hợp chưa theo cơ chế thị trường, gây lãng phí và làm cạn kiệt nguồn lực của địa phương. Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, còn thiếu hụt nhân lực theo yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhóm ngành du lịch, dịch vụ, công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao… Việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên chưa hiệu quả, vẫn còn tình trạng lấn chiếm, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, gây ô nhiễm môi trường. Tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản, lâm sản trái phép vẫn còn diễn ra, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra sạt lở, lũ quét, ngập úng…Cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trong lúc đó hoạt động xã hội hóa, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư hạ tầng còn rất hạn chế.

Trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để ra tại Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, Bình Thuận đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, nguồn lao động chiếm 63% dân số; tỷ trọng lao động việc làm trong khu vực nông - lâm - thủy sản chiếm 32%, công nghiệp chiếm 30% và dịch vụ chiếm 38%; năng xuất lao động và năng lực cạnh tranh của tỉnh đạt mức trung bình của cả nước. Đối với vật lực, tổ chức quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; hình thành hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ, hiện đại; tập trung đầu tư hoàn thành các công trình có tính cấp bách, trọng điểm, tạo động lực cho phát triển. Đối với tài lực, bảo đảm các điều kiện ổn định tài chính ngân sách địa phương; tỷ lệ huy động GRDP vào ngân sách ở mức hợp lý; xác định quy mô chi ngân sách địa phương phù hợp với mục tiêu phát triển và khả năng cân đối nguồn lực của tỉnh.

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, thiết nghĩ cần sớm xây dựng, hoàn thành và triển khai quy hoạch tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó tập trung kiểm kê, đánh giá đầy đủ các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực của toàn bộ nền kinh tế nhằm định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện, hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà nhanh, bền vững.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các cơ chế, chính sách để khơi thông, giải phóng tối đa và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực hiện có, phù hợp với nền kinh tế thị trường; thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý, khai thác và sử dụng các nguồn lực của tỉnh nhà. Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển từ chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, vốn đầu tư và lao động sang sử dụng tổng hợp, có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế; nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển bền vững của nền kinh tế.

Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương coi giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách hàng dầu. Tiếp tục bổ sung, đổi mới cơ chế chính sách nhằm phát triển độ ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới, nhất là đội ngũ chuyên gia giỏi, cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao, tâm huyết, trung thực, tận tụy.

Cơ cấu lại nền kinh tế, ngành, vùng và sản phẩm chủ yếu theo hướng hiện đại, phát huy lợi thế so sánh và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tập trung các nguồn lực phát triển những sản phẩm có lợi thế so sánh, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng cao và có thị trường tiêu thụ như chế biến hải sản, nước mắm, nước suối, thanh long, mủ trôm, lúa gạo, cao su, tiêu, điều, lâm sản, khoáng sản, điện năng, du lịch…

Chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ thông tin về các nguồn lực trong nền kinh tế để sử dụng tối ưu và hiệu quả; phân phối, chia sẻ và tái sử dụng có hiệu quả các nguồn lực dư thừa, làm gia tăng giá trị các nguồn lực của nền kinh tế tỉnh nhà và từng địa phương.

THẾ NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát huy hiệu quả các nguồn lực