Theo dõi trên

Quà tết và thói xu nịnh

18/01/2019, 10:08

BT- Thường vào dịp cận Tết Nguyên đán, Trung ương lại có Chỉ thị nghiêm cấm việc biếu, tặng quà tết cho cấp trên, hoặc cấp trên “tranh thủ” cấp dưới; Trung ương không đi thăm, chúc tết các địa phương, địa phương không lên chúc tết Trung ương... mà dồn sức chăm lo cho người nghèo, các gia đình chính sách có một cái tết ấm áp.

Năm nay, đúng vào thời điểm “nhạy cảm” giáp Tết Kỷ Hợi 2019 thì Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Đề án văn hóa công vụ, trong đó quy định: Công chức không được nịnh bợ, lấy lòng cấp trên với động cơ không trong sáng.

Nói “thời điểm nhạy cảm” là bởi ngày nay nịnh nọt không chỉ bằng lời nói, mà thể hiện cả bằng vật chất, tiền bạc, quà cáp... Nên dù Đảng - Nhà nước nghiêm cấm, nhưng nhiều cán bộ công chức vẫn lợi dụng tết nhất để lấy lòng cấp trên bằng những món quà giá trị. Chỉ còn khoảng 2 tuần lễ nữa là đến tết, nhiều công chức cấp dưới đang sốt sắng chuẩn bị quà tết để biếu sếp. Các họa sĩ biếm của “Tuổi trẻ cười” vừa phác họa ra tới “101 cách nịnh bợ cấp trên trong dịp tết”!

Liên tiếp nhiều năm qua, Thanh tra Chính phủ đều báo cáo: “Không phát hiện trường hợp nào biếu, nhận quà tết trái quy định”. Thế nhưng chẳng mấy ai tin kết quả ấy phản ánh đúng thực tế, cho dù từ khi có sự nghiêm cấm ấy, đã không còn cảnh kéo rồng rắn công khai đến nhà lãnh đạo, cấp trên đưa quà ầm ĩ nữa. Qua hàng loạt vụ trọng án tham nhũng và kinh tế được xét xử công khai, rất nhiều kẻ đã khai vanh vách trước tòa rằng đã đem hằng vali tiền tới lì xì sếp trong mỗi dịp tết đó sao?

Tương tự vậy, dư luận cũng không tin rằng chỉ một quy định “công chức không được nịnh bợ cấp trên” là có thể dẹp được thói nịnh nọt trong các công sở. Bởi nịnh bợ đem lại những thuận lợi, ưu ái trong công việc, của cải vật chất và sự thăng quan tiến chức, nên người ta không dễ từ bỏ nó. Và điều quan trọng nhất là: Nếu sếp thích nịnh thì sẽ có cấp dưới giỏi nịnh cho đẹp lòng sếp.

Thế nên, ở những cơ quan, đơn vị mà lãnh đạo thích nịnh, không lấy hiệu quả công việc làm thước đo chính để đánh giá cán bộ công chức, mà chủ yếu dựa vào cảm tính cá nhân, thì thói xu nịnh có cơ hội nở rộ, đội ngũ “nịnh thần” ngày thêm đông đảo, chiếm ưu thế. Còn ở những cơ quan, đơn vị mà lãnh đạo là người công tâm, khách quan, đánh giá cấp dưới bằng những kết quả công việc cụ thể mà họ làm cho cơ quan, đơn vị, chứ không phải những lời ca ngợi, tâng bốc họ “rót” vào tai mình, thì ở đó những “mầm mống” nịnh bợ sẽ co lại, không có “đất dụng võ”.

Theo TS. Đinh Duy Hà (nguyên Vụ trưởng Vụ CCHC - Bộ Nội vụ): Khi những người giỏi nịnh bợ lấy lòng lãnh đạo, lại là những người được đánh giá tốt khi đánh giá, nhận xét cuối năm, chứ không phải là những người làm việc hiệu quả nhất, thì thói xu nịnh càng có đất sống. Chỉ khi hiệu quả công việc thực tế được lấy làm tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá cán bộ công chức, thì dù lãnh đạo có thích nịnh bợ cũng khó “đổi trắng thay đen” theo cảm tính cá nhân được.

Nói tóm lại, lương đủ sống, không phải tất bật làm thêm, chân trong chân ngoài kiếm thêm thu nhập; môi trường làm việc, cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, lấy hiệu quả công việc làm thước đo chính, không phải lo luồn cúi, bợ đỡ, cửa trước, cửa sau nhà sếp - những điều tưởng như bình thường, đơn giản ấy vẫn là mong ước của cán bộ công chức. 

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quà tết và thói xu nịnh