Theo dõi trên

Quyền được biết thông tin

04/07/2018, 09:12 - Lượt đọc: 58

BT - Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2018. Đây là dự luật thể hiện sự tôn trọng và đề cao quyền con người đã được quy định trong Hiến pháp. Như đã biết quyền tiếp cận thông tin là một trong các quyền cơ bản của con người, thuộc nhóm quyền dân sự, chính trị đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc năm 1948.

Quyền tiếp cận thông tin tiếp tục được khẳng định trong nhiều điều ước quốc tế khác như công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng, Công ước UNECE về tiếp cận thông tin môi trường. Hiến pháp năm 1992 lần đầu tiên xác định “quyền được thông tin” là quyền cơ bản của công dân. Hiến pháp năm 2013 tiếp tục kế thừa quy định về “quyền được thông tin” của Hiến pháp năm 1993 và sửa đổi thành “quyền tiếp cận thông tin”. Có thể nói Luật Tiếp cận thông tin được xây dựng, ban hành, bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về “quyền tiếp cận thông tin” của công dân, đồng thời cụ thể hóa tinh thần mới của Hiến pháp về trách nhiệm của Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Trước khi luật chưa có hiệu lực thi hành, tình trạng bưng bít, ém nhẹm thông tin đã xảy ra ở nhiều tỉnh, thành để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Những thông tin về các dự án, quy hoạch, giải tỏa, đền bù, đấu giá, hóa giá tài sản nhà nước ít công khai, được “chỉ định” bí mật và bị “phong tỏa” bởi các văn bản ghi “mật”, “tuyệt mật”, “tối mật”… Chính bởi lạm dụng từ “mật” của các cơ quan chức năng mà người dân đã bị giới hạn và rất khó tiếp cận những thông tin mà lẽ ra họ phải biết và giám sát. Trên thực tế nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây, người dân rất ít được tiếp cận thông tin chính thống. Một khi thiếu thông tin, người dân có thể suy nghĩ và hành động không đúng, vô tình tiếp tay cho thế lực phản động. Bởi vậy dự luật đã thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về “mở rộng dân chủ, bảo đảm quyền công dân, quyền con người”, “tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ, nhất là dân chủ trực tiếp”, “bảo đảm quyền được thông tin” của công dân.

Tất nhiên, quyền tiếp cận thông tin là một quyền có giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Ở khía cạnh đạo đức và lẽ phải, luật bảo đảm cung cấp thông tin một cách chính thống, chống lại những thông tin xuyên tạc, không đúng sự thật, tạo sự đồng thuận xã hội trong việc xây dựng, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật. Việc tạo cơ hội cho công dân được tiếp cận các thông tin chính thống của Nhà nước sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp cho các nhà đầu tư trong, ngoài nước kịp thời nắm bắt thông tin, cơ hội đầu tư để có thể mở rộng, phát triển kinh doanh, xây dựng các kế hoạch đầu tư dài hạn. Qua đó tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia, thúc đẩy sự phát triển bền vững. Việc tiếp cận thông tin chính thống của Nhà nước cũng góp phần bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế. 

Luật Tiếp cận thông tin còn thể hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế về quyền tiếp cận thông tin và bảo đảm tính tương thích của pháp luật Việt Nam với pháp luật của nhiều nước trên thế giới và đề cao quyền con người.

 Như Nguyễn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quyền được biết thông tin