Theo dõi trên

Sống thọ nhưng phải sống khỏe

08/03/2019, 15:48

BT- Theo cơ quan dân số quốc gia, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã đạt 73,5 tuổi (nam 70,9 tuổi, nữ 76,2 tuổi) mức khá cao so với thế giới, song tuổi khỏe mạnh lại thấp chỉ 64 tuổi. Có nghĩa dù tuổi thọ tăng nhưng gánh nặng bệnh tật cũng tăng, trung bình người Việt Nam có khoảng 10 năm cuối đời phải chung sống với bệnh tật, làm giảm chất lượng sống.

Sự gia tăng đáng báo động các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường, ung thư, hô hấp mãn tính... chiếm hơn 70% số người tử vong hàng năm. Một nghiên cứu cho thấy: số người tăng huyết áp ở Việt Nam tăng 1,5 lần trong 5 năm qua, số người mắc bệnh đái tháo đường tăng trên 200% trong 10 năm qua, tỷ lệ người thừa cân béo phì, tăng mỡ máu, bị tim mạch đều tăng nhanh.

Vào thời điểm này năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Ước tính Việt Nam hiện có 12 triệu người bị bệnh tăng huyết áp, khoảng 3 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, trên 2 triệu người mắc bệnh hô hấp mạn tính, trên 125.000 ca phát hiện mắc ung thư mỗi năm, khiến các bệnh viện quá tải.

Các bệnh không lây nhiễm gia tăng do tăng các thói quen xấu như : hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý, đặc biệt là lười vận động. Việt Nam thuộc quốc gia lười vận động nhất thế giới, với chỉ 1/7 số người dân tập thể dục hơn 30 phút mỗi ngày. Lười vận động còn là nguyên nhân khiến người Việt Nam nhỏ con, thấp bé, thể lực yếu hơn các dân tộc khác ở châu Á, dẫn tới năng suất lao động thấp, thành tích thể thao thua kém (sau 25 năm người Việt Nam chỉ tăng 3 cm chiều cao, thuộc nhóm lùn nhất châu Á). Trong các trường học, tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì ngày càng tăng, trong khi hoạt động thể lực quá ít, do thể thao học đường kém phát triển. Nhà hàng, quán nhậu luôn đông nghẹt quý ông, quý bà, còn công viên, đại lộ thưa thớt người chạy bộ, đạp xe mỗi sáng.

Lười vận động có thể do môi trường chưa thuận lợi: trường học chật hẹp, thiếu sân chơi, người dân thiếu không gian luyện tập do lề đường, vỉa hè bị lấn chiếm, không còn chỗ đi bộ; nhiều người nêu lý do bận rộn công việc, không có thời gian... nhưng nguyên nhân chính vẫn là do ý thức người dân và cộng đồng. Nhiều năm nay, Bộ Y tế đã phát động phong trào tập thể dục giữa giờ nơi công sở, trường học, tiểu thương các chợ... mục tiêu là hướng dẫn cộng đồng biết cách vận động, thể dục để nâng cao sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật.

Rất ít người Việt Nam dành ra 30 phút mỗi ngày để tập luyện, từ năm nay ngày 27/2 hàng năm sẽ trở thành ngày “Sức khỏe Việt Nam” để thay đổi thực trạng ấy. Trong ngày “Sức khỏe Việt Nam” lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ đã kêu gọi toàn dân tập thể dục, không hút thuốc, hạn chế rượu bia, có chế độ ăn uống hợp lý, giảm ăn muối, đường, tăng cường ăn rau xanh, trái cây, để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng sống.

Sống thọ, nhưng phải sống khỏe, mới có ý nghĩa. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 tuổi thọ trung bình 74,5, số năm sống khỏe đạt tối thiểu 67 năm. 5 năm sau tuổi thọ trung bình sẽ khoảng 75, đạt tối thiểu 68 năm sống khỏe. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Mỗi một người dân yếu ớt thì cả nước yếu ớt, mỗi người dân khỏe là cả nước mạnh khỏe.

Một dân tộc không thể hùng cường nếu lười vận động.

Khôi Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sống thọ nhưng phải sống khỏe