Theo dõi trên

Tái cơ cấu phải từ đổi mới hình thức tổ chức sản xuất

03/10/2018, 09:27

BT- Mới đây, tại cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh nhà trong thời gian qua, nhiều người đều có nhận định rằng, bên cạnh một số kết quả đạt được thì nhìn chung tốc độ tăng trưởng nông nghiệp và sự chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành theo hướng nâng giá trị gia tăng còn chậm, chưa bền vững. Nhiều địa phương chưa xác định rõ sản phẩm nông nghiệp lợi thế; tình trạng sản xuất tự phát, theo kiểu phong trào còn phổ biến. Trong khi đó một số sản phẩm được xác định là chủ lực, có lợi thế so sánh thì năng suất, chất lượng còn thấp, chi phí sản xuất cao, khả năng cạnh tranh thấp…

Qua con số kim ngạch xuất khẩu nói chung và nông hải sản nói riêng cũng phần nào cho thấy sự cạnh tranh các sản phẩm hàng hóa của tỉnh trên thị trường còn rất hạn chế. Nếu như kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước bình quân trong năm 2017 tăng 21% so năm 2016, thì Bình Thuận chỉ tăng 8,06%. Trong đó kim ngạch hàng nông - lâm - thủy sản của Việt Nam tăng 13% so cùng kỳ, thì kim ngạch Bình Thuận chỉ tăng 7,5%. Điều đáng nói tỷ trọng kim ngạch hàng hóa nông -thủy sản của Bình Thuận chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ bằng 0,4% kim ngạch cả nước (145/36.730 triệu USD). Điều đó cho thấy sản phẩm nông nghiệp của địa phương còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tái cơ cấu nông nghiệp được hiểu một cách đơn giản là trên cơ sở những nguồn lực hiện có ở địa phương như tài nguyên đất, nước, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, trình độ sản xuất của người dân… sẽ bố trí, cơ cấu lại các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp và có tiềm năng, lợi thế, có thị trường tiêu thụ để tập trung nguồn vốn đầu tư vào sản xuất, trở thành hàng hóa, nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, nâng cao thu nhập bền vững cho người nông dân. Như vậy ngoài việc bố trí lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp (bình quân hàng năm các địa phương chuyển đổi khoảng 2.500 ha), thì vấn đề quan trọng là phương thức tổ chức sản xuất dựa trên 3 yếu tố là: Hợp tác giữa những người sản xuất, những người nông dân vào mô hình kinh tế để mua chung, bán chung, giảm chi phí đầu vào; là liên kết người sản xuất với doanh nghiệp, cả doanh nghiệp đầu vào và doanh nghiệp đầu ra; là thị trường gắn với doanh nghiệp đó là yếu tố quan trọng bảo đảm tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành công. Thế nhưng thực tế cho thấy, việc tích tụ diện tích đất để hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác ở hầu hết các địa phương còn khó khăn; chất lượng hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp sau chuyển đổi, thành lập mới hiệu quả chưa cao, quản trị kinh doanh còn lúng túng, khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật còn hạn chế…

Như vậy, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh cần dựa trên cơ sở rà soát lại cơ cấu cây trồng vật nuôi trên từng vùng sản xuất, trong đó xác định rõ quy mô, diện tích cây trồng vật nuôi có năng lực cạnh tranh sẽ tiếp tục được duy trì, quy mô diện tích các loại cây trồng không có năng lực cạnh tranh sẽ phải thay đổi bằng cây trồng, vật nuôi có năng lực cạnh tranh hơn. Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần dựa trên cơ sở quy hoạch lại quỹ đất nông nghiệp cả tỉnh và từng địa phương để phát triển sản xuất hàng hóa lớn, tập trung theo từng sản phẩm chủ lực, trước mắt là các sản phẩm nông, thủy sản xuất khẩu như: thanh long, điều, cao su, tiêu, mủ trôm, tôm giống, cá, các loại nhuyễn thể và cả lúa gạo… Đồng thời chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp của hộ nông dân từ truyền thống, nhỏ lẻ sang hàng hóa với quy mô hợp lý trên mỗi hộ gia đình và toàn vùng thông qua hình thành các tổ chức kinh tế của nông dân như tổ nhóm hợp tác xã, hiệp hội sản xuất và các mối liên kết giữa hộ nông dân và các tổ chức sản xuất kinh doanh…

Nhà nước hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chuyển dần việc cung cấp một số dịch vụ công sang cho tư nhân và các tổ chức xã hội thực hiện; tăng tỷ lệ vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước vào nông nghiệp. Phát triển các hình thức đầu tư có sự tham gia giữa nhà nước và tư nhân như đối tác công tư, hợp tác công tư… để huy động nguồn lực xã hội cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Đồng thời quan tâm đề ra cơ chế, chính sách đẩy mạnh ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp. Đây cũng là yếu tố rất quan trọng để đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

THẾ NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đức Linh cần tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ, giải pháp để phát triển toàn diện
BTO-Đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chỉ đạo như vậy tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Linh, diễn ra sáng 25/4. Dự làm việc còn có đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tái cơ cấu phải từ đổi mới hình thức tổ chức sản xuất