Theo dõi trên

Tái hòa nhập cho người chấp hành xong án phạt tù

24/01/2019, 10:02

 BT- Tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá là một hoạt động có ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc. Đây là quá trình mà Nhà nước, cộng đồng xã hội thực hiện tổng thể các biện pháp tác động, quản lý, giáo dục, giúp đỡ về cả vật chất và tinh thần nhằm động viên, khích lệ họ ăn năn, hối cải, tích cực học tập, rèn luyện, cải tạo trở thành người có ích cho gia đình, xã hội. Đồng thời với việc thực hiện có hiệu quả công tác này, sẽ có tác động tích cực trong việc giáo dục, răn đe và góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

Theo thống kê của ngành chức năng, trong năm 2018 toàn tỉnh đã tiếp nhận 839 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương cư trú, nâng tổng số người được đặc xá, chấp hành xong án phạt tù đang quản lý tại tỉnh là 11.580 người. Đây là số lượng khá lớn, đòi hỏi công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với họ luôn đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao. Tuy nhiên với sự quan tâm vào cuộc của các ngành chức năng và chính quyền các cấp, công tác tái hòa nhập cho người chấp hành xong án phạt tù và tha tù trước thời hạn đã đạt được những kết quả nhất định. Công tác phối hợp thông tin tuyên truyền pháp luật, tư vấn hướng dẫn thủ tục vay vốn, giới thiệu việc làm, dạy nghề, tạo điều kiện giúp đỡ họ có việc làm, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống và xây dựng nhân rộng mô hình tái hòa nhập cộng đồng được chú ý thực hiện. Tỷ lệ tái phạm, vi phạm pháp luật giảm còn 2,1%...

Bên cạnh những kết quả đạt được, có thể thấy, công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù là quá trình khó khăn cho chính bản thân người được tha tù và gia đình họ. Đây cũng là một nhiệm vụ không hề đơn giản cho chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương trong việc xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử, tạo điều kiện để họ có cơ hội ổn định cuộc sống. Một trong những điểm yếu của người bị phạt tù là trình độ nhận thức, nhất là các quy định pháp luật và trình độ tay nghề, kỹ năng lao động. Vì vậy ngay từ khi còn thi hành án phạt tù, các trại giam, tạm giam cần phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường chỉ đạo, tổ chức phổ biến tình hình thời sự, chính sách, pháp luật, thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, về thị trường lao động, giáo dục kỹ năng sống, trang bị kiến thức cần thiết khác và hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho phạm nhân trước khi ra tù. Cùng với đó, đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các cơ quan, đoàn thể và nhân dân nhằm tạo sự động thuận và nâng cao nhận thức về công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, cảm hóa và giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá.

Thực tế cho thấy, nơi nào chính quyền, ngành công an, các đoàn thể, chính trị quan tâm, vào cuộc thì nơi đó có nhiều mô hình tham gia tiếp nhận quản lý, giáo dục người được đặc xá, tha tù, tái hòa nhập cộng đồng, thu hút được số thành viên tham gia, tạo công ăn việc làm ổn định, tỷ lệ tái phạm tội rất ít. Công tác bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đòi hỏi sự chung tay, vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của toàn xã hội mới đem lại kết quả thiết thực. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần chủ trì tổ chức dạy nghề miễn phí cho các đối tượng này, có sự liên kết chủ động, mạnh mẽ với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhằm giải quyết công ăn việc làm. Các trại giam, trại tạm giam cần nghiên cứu chọn ngành nghề đào tạo phù hợp từng lứa tuổi, có tính khả thi, đáp ứng nhu cầu thực tế của từng phạm nhân sau khi mãn hạn tù để họ có kỹ năng, sớm xin được việc làm sau khi chấp hành xong án phạt.

Tổ chức phân bổ hợp lý nguồn ngân sách nhà nước cho công tác tái hòa nhập cộng đồng, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng và thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án về đào tạo, dạy nghề, giới thiệu việc làm, thành lập và duy trì hiệu quả quỹ tái hòa nhập cộng đồng, quỹ hoàn lương… Huy động tối đa sự tham gia đóng góp tự nguyện của cơ quan, tổ chức, cá nhân và các nguồn hợp pháp khác nhằm kịp thời hỗ trợ cho người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá được vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, tạo thu nhập ổn định, sớm hòa nhập cộng đồng. Vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hỗ trợ vốn, tiếp nhận những người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc. Mặt khác, phải thường xuyên rà soát, thống kê, bổ sung danh sách, hồ sơ theo dõi, quản lý; định kỳ tổ chức phân loại, đánh giá mức độ tiến bộ của từng trường hợp để có cơ sở áp dụng các biện pháp quản lý, giáo dục, cảm hóa. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm danh, kiểm diện, giáo dục, răn đe, phòng ngừa tái phạm, vi phạm pháp luật.

 THẾ NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tái hòa nhập cho người chấp hành xong án phạt tù