Theo dõi trên

Tăng cường bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm BOT

31/01/2018, 08:47 - Lượt đọc: 6

BT- Trong điều kiện thu ngân sách nói riêng và nguồn lực tài chính công nói chung còn hết sức hạn chế, hàng năm thu không đủ chi, nợ công cao thì việc xã hội hóa đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội vào hạ tầng là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. 

Trong giai đoạn 2011-2016, cả nước huy động khoảng 171.308 tỷ đồng, trong đó vốn BOT là 154.481 tỷ đồng với 59 dự án giao thông, chiếm trên 90% (các dự án đường bộ 169.813 tỷ đồng, với 57 dự án). Ai đã từng đi trên tuyến quốc lộ 1A hiện nay so mấy năm về trước, nhất là các tuyến đường cao tốc đều cảm nhận sự tiến bộ vượt bậc của hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế -xã hội, an ninh quốc phòng và đi lại của nhân dân.

Tuy nhiên bên cạnh những cái được do BOT đem lại, thì những cái chưa được cũng còn nhiều. Điển hình là tình trạng “vỡ trận” của hàng loạt dự án BOT, do vấp phải sự phản đối của người dân bằng nhiều hình thức, điển hình là Trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang). Riêng địa bàn Bình Thuận tại Trạm thu phí Sông Phan chỉ trong 4 ngày giữa tháng 1/2018 đã 11 lần “vỡ trận”; Trạm thu phí Sông Lũy, trong 2 ngày giữa tháng 1/2018 cũng đã xảy ra sự cố ùn tắc giao thông khoảng 500m, do người dân địa phương kéo đến yêu cầu trạm này giảm 100% cho xe qua.

Nguyên nhân của tình trạng “vỡ trận” là do nhiều phía. Nhưng chủ yếu do người dân bức xúc khi “đi ít trả nhiều” của các phương tiện ở gần trạm thu phí; là việc đặt trạm thu phí không đúng chỗ; là tình trạng không minh bạch về giá phí, về việc công khai phí thu được và cả việc xử lý phí thu được…Điều đáng nói là các bất cập này đang bị các đối tượng xấu lợi dụng kích động, chống phá làm ảnh hưởng rất lớn đến an ninh trật tự và an toàn giao thông, gây ảnh hưởng xấu đến việc thu hút xã hội hóa đầu tư; trong lúc đó sự phản ứng của chính quyền địa phương và các ngành chức năng còn bị động, lúng túng.

 Công điện của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ “Sự việc xảy ra tại Trạm thu giá Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang và một số trạm thu giá BOT đang có diễn biến hết sức phức tạp, nhưng chưa có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương. Một số địa phương chưa thấy tính nghiêm trọng của vấn đề bị kẻ xấu lợi dụng việc này và chỉ coi là nhiệm vụ của ngành giao thông vận tải. Tình hình phức tạp tại các trạm thu giá xảy ra ở một số tỉnh, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, nếu không được cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các cấp chính quyền ở các địa phương tập trung phối hợp xử lý thì có thể các đối tượng xấu càng lợi dụng, lấn tới, tiềm ẩn những hành vi gây mất an ninh trật tự, kể cả các tổ chức phản động lợi dụng phá hoại chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự thông qua việc phá hoại hình thức đầu tư BOT”.

Tết Nguyên đán Mậu Tuất đã cận kề, nếu tình hình trên không được giải quyết triệt để sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là tình hình cháy nổ, vận chuyển hàng hóa, hành khách, cấp cứu người bệnh, hoạt động du lịch, các đoàn công tác quan trọng khi xảy ra tình trạng ùn ứ, ách tắc tại các trạm thu phí trên tuyến đường độc đạo quốc lộ 1A Bình Thuận.

Để giải quyết tình hình phức tạp tại các trạm thu phí BOT trên địa bàn tỉnh một cách cơ bản, lâu dài, cần phải có sự “hợp tác” và hài hòa lợi ích giữa các chủ đầu tư (BOT) và những người tham gia giao thông có hộ khẩu, hoạt động sản xuất kinh doanh gần trạm thu phí. Vấn đề này Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã  giao nhiệm vụ cho Sở Giao thông Vận tải tiếp tục kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng mức miễn, giảm vé cho tất cả phương tiện và mở rộng bán kính vùng miễn, giảm giá lên 10 km. Trong lúc chờ ý kiến của cấp có thẩm quyền về miễn giảm giá vé BOT, trước mắt cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, thông tin về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của chủ trương BOT và những yêu cầu đặt ra để người dân hiểu, chấp hành. Mặt khác, các lực lượng chức năng, trước hết là ngành công an, giao thông vận tải phối hợp với chính quyền nơi có 2 trạm BOT là Hàm Thuận Nam và Bắc Bình xây dựng các kịch bản để ứng phó với tình huống xấu có thể xảy ra như gây rối, phá hoại tài sản, dừng xe lâu, sử dụng bom xăng, thiết bị bay siêu nhẹ gắn chất nổ… giúp cho việc xử lý khi có sự cố xảy ra một cách nhanh chóng, chính xác, hạn chế thấp nhất hậu quả. Đồng thời phải tăng cường nắm tình hình, dự báo tình huống xảy ra và chỉ đạo giải quyết triệt để tình hình mất an ninh trật tự trên địa bàn, có biện pháp xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với những đối tượng có hành vi kích động, gây rối, cố tình phá hoại, gây mất trật tự xã hội.

THẾ NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng cường bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm BOT