Theo dõi trên

Tăng cường phòng, chống tội phạm mua bán người 

22/02/2016, 08:23

BT-  Nạn buôn bán người, đặc biệt là nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em đang là một hiện tượng nhức nhối ở nước ta hiện nay. Theo thống kê của ngành chức năng từ năm 2011 đến gữa năm 2015, cả nước phát hiện 2.090 vụ, với 3.131 đối tượng, lừa bán 4.226 nạn nhân, tăng 22% số vụ và 13,5% so cùng kỳ thời gian trước. Các nạn nhân trong các vụ buôn bán người chủ yếu được đưa ra nước ngoài, trong đó bị đưa sang Trung Quốc chiếm tới 70%, còn lại là các nước Campuchia, Lào, Thái Lan, Malaysia.

Tại tỉnh ta, trong các năm 2011, 2012, 2014 và 2015 đều có phụ nữ bị mua bán hoặc kết hôn bất hợp pháp sang Trung Quốc, Malaysia; trong đó có một số trường hợp bị ép làm gái bán dâm.

Các đối tượng phạm tội hình thành các đường dây mua bán người từ Việt Nam sang các nước láng giềng với mục đích chính là bán nạn nhân vào các ổ mại dâm, các dịch vụ vui chơi, giải trí và bóc lột sức lao động. Tình trạng mua bán nội tạng, đẻ thuê, môi giới hôn nhân trái pháp luật với người nước ngoài đang diễn biến phức tạp gây bức xức trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trên nhiều địa bàn của cả nước, trong đó có Bình Thuận.

Tình trạng phụ nữ và trẻ em dễ sa vào cạm bẫy của bọn buôn người xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ nhận thức. Bọn buôn bán người thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết, sự nhẹ dạ cả tin, hoàn cảnh khó khăn của các nạn nhân có nhu cầu muốn tìm việc làm lương cao ở nước ngoài để tiếp cận thuyết phục, dụ dỗ rồi đứng ra ứng tiền trước, lo mọi thủ tục đưa ra nước ngoài rồi ép phải hành nghề bán dâm hoặc dùng hình thức môi giới hôn nhân bất hợp pháp để hình thành nên những đường dây mua bán người. Vì vậy giải pháp hàng đầu là các cơ quan truyền thông, Hội liên hiệp phụ nữ, các tổ chức đoàn thể là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác phòng chống tội phạm mua bán người; triển khai rộng rãi Chiến lược truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng; khảo sát, xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình phòng ngừa hiệu quả về phòng chống mua bán người; tư vấn nâng cao nhận thức cho nạn nhân, gia đình, cộng đồng về phòng chống tội phạm mua bán người và hỗ trợ nạn nhân về địa phương hòa nhập cộng đồng.  Công tác tuyên truyền, giáo dục phải làm cho người dân hiểu rõ các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng mua bán người để đề cao cảnh giác và khi thấy đối tượng nghi vấn và các hoạt động bất thường thì kịp thời thông báo cho các cơ quan chức năng để xử lý.

Các cơ quan chức năng, trước hết là lực lượng Công an và Biên phòng cần chủ động thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, điều tra khám phá các vụ án, đường dây tội phạm mua bán người, truy bắt đối tượng phạm tội; xác minh, giải cứu, bảo vệ nạn nhân, tập trung các tuyến, địa bàn trọng điểm. Tăng cường phối hợp giữa các ngành, địa phương, lực lượng chức năng các tỉnh trong khu vực Đông Nam bộ nhằm trao đổi thông tin, lập đường dây nóng, xác định đầu mối phối hợp điều tra, bắt giữ, chuyển giao, truy nã đối tượng phạm tội, giải cứu và tiếp nhận nạn nhân trở về. Phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát, Tòa án cùng cấp trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người, lựa chọn án điểm để tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động, công khai để răn đe, giáo dục. Tổ chức tốt biện pháp bảo vệ nạn nhân, đặc biệt là trẻ em trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người.

Thực tế cho thấy hầu hết các nạn nhân sống trong tình trạng nghèo đói, không có việc làm, thiếu kiến thức và giáo dục là những điều kiện thuận lợi cho bọn buôn người tiếp cận, lôi kéo, dụ dỗ. Do vậy biện pháp cơ bản, lâu dài là từng địa phương cần có chính sách hỗ trợ tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập qua dạy nghề, cho vay vốn…đối với phụ nữ có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của bọn buôn người ở những vùng khó khăn. Làm cho người dân có đời sống kinh tế ổn định, có công ăn việc làm, có sự hiểu biết và sinh hoạt tinh thần lành mạnh là giải pháp căn cơ để phòng chống tội phạm mua bán người.

T.N



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng cường phòng, chống tội phạm mua bán người