Theo dõi trên

“Thảm họa” thiên tai – nhìn từ cơn bão số 16

25/12/2017, 10:15

BTO- Chiều tối và đêm 24/12, cơn bão số 16, tên quốc tế là bão Tembin đang trên biển Đông, sau khi càn quét qua  huyện đảo Trường Sa, tiếp tục di chuyển nhanh, hướng thẳng vào khu vực ven  biển từ Nam Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Giờ - TP. HCM, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau với cường độ mạnh  cấp 10, giật cấp 13, 14,  báo động thảm họa thiên tai cấp độ 4. Đường đi của bão, do diễn biến thời tiết biển, có thể còn thay đổi.

Ảnh: Báo công an

Có mấy điểm chung về cơn bão 16:  Trong mấy chục năm nay, không có năm nào vào dịp cuối năm – cuối tháng 12 còn có bão lớn vào biển Đông. Không chỉ hiếm gặp,  bão 16 dự báo còn mạnh  hơn cả cơn bão Linda, tức cơn bão số 5 năm 1997 cũng đổ  vào Nam bộ, cách đây đúng 20 năm.  Bão đổ vào khu vực Tây và Đông Nam bộ, vốn là vùng bằng phẳng, ít vật cản, vốn là nơi rất  ít khi có bão. Đây là khu vực kinh tế nông nghiệp, nơi có thế mạnh nuôi trồng thủy sản – kinh tế nhà vườn phát triển, hoa kiểng đẹp đang vào độ thu hoạch chuẩn bị phục vụ đón Tết vui Xuân Mậu Tuất. Hàng chục ngàn ha lúa mùa đang và sắp vào vụ thu hoạch; khu vực nhà cửa không kiên cố, nhiều nhà tạm bợ của ngư dân ven biển. Các địa phương ven biển, trong đó có Bến Tre, Bạc Liêu,  hơn 50  km bờ biển có khả năng sạt lở lớn. Bão lớn, sóng biển cao từ 8 – 9 mét dồn nước biển vào nội đồng gây nhiễm mặn nghiêm trọng.  Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre, Bà Rịa – Vũng Tàu (bao gồm huyện Côn Đảo); Bình Thuận (bao gồm huyện đảo Phú Quý), Kiên Giang (bao gồm huyện đảo Phú Quốc) là các trung tâm hậu cần nghề cá, nơi thường có hàng vạn ghe tàu đánh bắt gần bờ và xa bờ từ miền Trung trở vào  neo đậu.

Điều rất đáng quan tâm là tâm lí chủ quan, bằng chân như vại, coi thường bão vẫn đang là một thực tế trong suy nghĩ của không ít người dân, nhất là ở khu vực Tây Nam bộ - nơi ít khi có bão. Cơn bão Linda – số 5 năm 1997 đổ bộ vào Nam bộ gây tổn thất hết sức nặng nề, hơn 3000 người chết và mất tích; hàng vạn căn nhà đổ - tốc mái, hàng trăm tấn tôm cá trong các trung tâm nuôi trồng thủy sản mất trắng, thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng, nhiều năm sau mới khắc phục được hậu quả. Bài học về cơn bão Linda vẫn còn nguyên giá trị cho đến nay. Một trong những nguyên nhân gây nên thiệt hại lớn từ cơn bão Linda năm 1997 và cơn bão số 12 đổ bộ vào Khánh Hòa, Phú Yên vừa mới đây - năm 2017,  chính là do sự chủ quan của người dân, có cả sự chủ quan của  chính quyền cơ sở một số địa phương. Bão lớn đổ bộ, người dân vẫn không chịu rời khỏi các lồng bè, sóng to bão lớn đã cuốn họ vào biển cả.

Bốn ngày nay, đặc biệt là trong hai ngày 23 và 24.12, khi bão số 16 bắt đầu vào biển Đông, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Phòng chống  lụt bão Trung ương; Ủy ban Cứu nạn cứu hộ quốc gia; UBND các tỉnh trong khu vực dự kiến bão đổ bộ  đã vào cuộc rất quyết liệt, chỉ đạo rốt ráo, kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ấn, chằng níu nhà cửa, di dời khỏang 1 triệu người dân đến khu vực an toàn … thực hiện phương châm 4 tại chỗ trong phòng chống thiên tai. Nhiều đơn vị quân đội, công an được huy động, cả hệ thống chính trị đồng lòng đồng sức vào cuộc phòng chống cơn bão số 16.  

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận, ban chỉ đạo phòng chống thiên tai của tỉnh, đặc biệt là của huyện đảo Phú Quý đã triển khai nhiều biện pháp rốt ráo, quyết liệt để ứng phó với cơn bão số 16 – cơn bão mạnh bất thường cuối năm, đổ bộ vào khu vực vốn rất ít bão - cũng là sự bất thường của thời kỳ biến đổi khí hậu toàn cầu.

Cơn bão mạnh số 16, cường độ cấp 10, giật cấp 13, 14, di chuyển nhanh, phạm vi ảnh hưởng rộng, khi đổ bộ vào đất liền dự kiến có sức tàn phá ghê gớm, do tác động của hoàn lưu bão, cộng với sự di chuyển cùng thời điểm của khối không khí lạnh bổ sung từ phía bắc xuống sẽ gây mưa to nhiều nơi. An toàn tính mạng cho người dân là ưu tiên số một. Dồn toàn bộ lực lượng, khắc phục tư tưởng chủ quan, khinh thường bão, các địa phương vùng tâm bão và khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp, giảm thiếu tới mức thấp nhất mọi thiệt hại do bão gây ra.

QUỐC TOÀN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết:
Hôm nay đưa vào hoạt động 2 trạm dừng chân tạm thời
BTO-Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Giao thông vận tải về việc xây dựng tạm trạm dừng chân trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Ban quản lý dự án 7 đã tiến hành thi công 2 trạm dừng nghỉ tạm trên cả hai chiều đường cao tốc, đưa vào hoạt động phục vụ tài xế, người tham gia giao thông vào dịp lễ 30/4 và 1/5.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Thảm họa” thiên tai – nhìn từ cơn bão số 16