Theo dõi trên

Thành phố Phan Thiết có “trị” được xả rác, tiểu bậy?

16/02/2017, 15:18 - Lượt đọc: 48

 BTO- Cảnh sát Môi trường Công an quận Hoàng Mai (TP Hà Nội) vừa cải trang mật phục để ghi hình và xử phạt 3 tài xế taxi tiểu tiện không đúng nơi quy định, tổng cộng 6 triệu đồng (2 triệu đồng/người).

 Lực lượng quản lý trật tự đô thị Quận 1, TP.HCM cũng vừa nhắc nhở, lập biên bản vi phạm và xử phạt nhiều người tiểu bậy, buộc đi xin nước rửa sạch nơi đi tiểu bậy.

Công viên Đồi Dương (Phan Thiết)

 Như vậy TP Hà Nội và TP HCM đã đi tiên phong thực hiện Nghị định 155 của CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2017). Theo NĐ này mức xử phạt bằng tiền đối với các hành vi xả rác, tiểu bậy nơi công cộng đã tăng gấp hàng chục lần so với trước đây.

Dư luận đồng tình ủng hộ chính quyền phạt nặng để chấn chỉnh các thói hư tật xấu xả rác, tiểu tiện bừa bãi nơi công cộng, xây dựng ý thức văn minh đô thị. Dư luận cũng mong chính quyền giám sát, xử phạt thường xuyên, liên tục, chứ “đánh trống bỏ dùi” sẽ dẫn đến lờn luật.

 Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, hầu hết người dân khi được hỏi đều phàn nàn tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng đảm bảo vệ sinh môi trường đô thị. Thùng rác, nhà vệ sinh công cộng vừa thiếu vừa bẩn, không đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách.

 Được biết TP Hà Nội và TP HCM đã có chương trình và hành động cụ thể, với mục tiêu mỗi thành phố xây dựng thêm 1.000 nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn. Lúc đó có phạt tiểu bậy thật nặng, người dân cũng tâm phục khẩu phục, không thể đổ thừa cho “khách quan” được nữa.

 Thành phố Phan Thiết nơi dư luận cũng đã báo động nạn xả rác, tiểu bậy bừa bãi nơi công cộng, các điểm tham quan du lịch, người dân cũng đang mong chờ chính quyền thành phố sắn tay áo vào cuộc thực thi NĐ 155 để thành phố sạch đẹp hơn.

 Thành phố Phan Thiết có khoảng 16 nhà vệ sinh công cộng, trong đó 14 cái nằm ở các điểm tham quan du lịch, 2 cái nằm ở bờ sông Cà Ty. Với một thành phố du lịch, dân số trên 300.000 người, mỗi năm đón hàng triệu du khách, thì số lượng chừng ấy nhà vệ sinh công cộng chắc chắn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân và du khách (trong lúc café, quán nhậu mọc lên như nấm).

 Còn về chất lượng nhà vệ sinh công cộng ở Phan Thiết thì hầu hết đã cũ kỹ, xuống cấp, không đạt chuẩn và chưa bảo đảm vệ sinh môi trường.

 Đừng nghĩ xả rác, tiểu bậy chỉ là chuyện nhỏ. Một thành phố văn minh, sạch đẹp, không chỉ có ý nghĩa về vệ sinh môi trường mà còn để phát triển du lịch, làm giàu từ du lịch. Luật đã có, thành phố Phan Thiết có “trị” được nạn xả rác, tiểu tiện bừa bãi hay không?

Chính quyền thành phố cần bố trí quỹ đất, có biện pháp khuyến khích doanh nghiệp, tư nhân đầu tư làm nhà vệ sinh công cộng văn minh, hiện đại, có thu phí, cho phép nhà đầu tư khai thác quảng cáo và các dịch vụ kèm theo…

 Trị dứt điểm các tật xấu của người Việt như xả rác, tiểu tiện bừa bãi là một việc khó, rất khó, cần có thời gian dài. Nhưng nếu chính quyền quyết tâm, quyết liệt, dư luận ủng hộ, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, thì chắc chắn ý thức và hành vi của người dân sẽ có chuyển biến tích cực.

   Việc cấm đốt pháo nổ, hay bắt buộc đội mũ bảo hiểm trước đây, đã chứng tỏ điều ấy.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thành phố Phan Thiết có “trị” được xả rác, tiểu bậy?