Theo dõi trên

Tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào Bình Thuận

06/05/2020, 09:03

BT - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn, nhiều lao động mất việc làm do doanh nghiệp cắt giảm lao động. Bên cạnh đó sản xuất công nghiệp giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn 6 năm qua. Tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất với nhiều ngành và nhiều doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn do phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu từ nước ngoài.

Từ những khó khăn đó, Nhà nước đã phải huy động và triển khai các gói hỗ trợ kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống trong bối cảnh việc làm khó khăn. Đời sống của người dân sẽ chịu tác động khi có những biến động về thị trường lao động, giá cả, tiền lương nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài. Tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc làm và mất việc làm ở một số khu vực gia tăng, tốc độ tăng phụ thuộc vào diễn biến dịch. Nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động gặp khó khăn trong việc trả lương và đóng bảo hiểm xã hội, trả nợ bảo hiểm xã hội. Theo mục tiêu đề ra, Bình Thuận phấn đấu đạt số lượng doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm tăng 12,5%, tương đương 615 doanh nghiệp để đến năm 2020 toàn tỉnh có khoảng 7.000 doanh nghiệp. Trong bối cảnh còn những khó khăn nhất định, song tình hình phát triển doanh nghiệp tại Bình Thuận cho thấy có bước chuyển biến tích cực. Kết quả này là nhờ địa phương luôn nỗ lực tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phát triển bình đẳng, đúng quy định của pháp luật. Để thúc đẩy việc phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, năm 2019 vừa qua UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để tiếp tục lắng nghe, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Thời gian qua, việc hỗ trợ doanh nghiệp cũng được các sở, ngành chức năng thể hiện bằng những hoạt động thiết thực, từ đó có thể giúp doanh nghiệp vượt khó, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai, mở rộng mặt bằng kinh doanh.

Ngay từ những tháng đầu năm 2020, nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn và nhiều hệ lụy về tăng trưởng, lao động, việc làm, tiền lương ảnh hưởng rất lớn do dịch Covid - 19. Bên cạnh đó số doanh nghiệp thành lập mới ở thời điểm này cũng rất hạn chế. Trên cơ sở đó, ngoài việc ưu tiên phòng, chống dịch, lãnh đạo tỉnh đã rất quan tâm đến việc phân bổ, điều chỉnh ngân sách đầu tư cho lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng báo cáo chuyên đề và kế hoạch triển khai riêng về nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động đầu tư, sản xuất của doanh nghiệp. Trong đó phải rà soát, báo cáo tình hình thực hiện và các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp được giảm lãi suất, miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi vay và tạm hoãn đóng bảo hiểm, hỗ trợ từ giảm giá điện, nước. Đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần chung của Chính phủ và các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn thúc đẩy tiến độ đầu tư của các dự án ngoài ngân sách…

THANH QUANG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào Bình Thuận