Theo dõi trên

Thấy gì qua vụ phá rừng tại Hàm Thuận Nam?

31/10/2019, 09:35

BT- Năm nào, Bình Thuận cũng xảy ra hàng trăm vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, riêng 9 tháng năm nay đã xảy ra 268 vụ, trong đó có 19 vụ phá rừng. Đầu tháng 10/2019, tại xã Thuận Quý (Hàm Thuận Nam) cũng xảy ra vụ phá rừng trái phép, và qua tìm hiểu thực tế mới thấy công tác bảo vệ rừng vẫn còn đó những nỗi lo…

Vụ phá rừng nào cũng để lại nhiều hệ lụy, gây bức xúc trong nhân dân. Nhiều hệ lụy bởi trước hết đối tượng phá rừng sẽ bị pháp luật xử lý, cán bộ phụ trách cũng bị xem xét xử lý trách nhiệm; hành vi trên còn gây cạn kiệt nguồn nước, lũ quét, sạt lở núi, phá rừng cũng làm giảm sự đa dạng sinh thái, khí hậu thay đổi. Bức xúc không chỉ vì hậu quả của nó gây ra mà vì thái độ thách thức người dân, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương của đối tượng.

Trở lại vụ phá rừng xảy ra đầu tháng 10/2019 tại Hàm Thuận Nam cho thấy, đối tượng không chỉ cưa hạ cây mà còn đem xe cơ giới chuyên dụng tiến hành san ủi đất làm đường… trong rừng khiến keo lá tràm, sến bị bật gốc nằm rạp dạt qua 2 bên. Nhiều đống đá được đổ cạnh nhau dọc con đường mới ủi, nếu không được phát hiện, ngăn chặn thì nơi đây sẽ hình thành đường kiên cố. Điều đáng nói, vị trí rừng bị phá chỉ cách ngã ba đường nhựa Hàm Minh - Thuận Quý khoảng 300 mét - nơi có không ít phương tiện qua lại hàng ngày, vì thế hoàn toàn không khó để phát hiện. Thực trạng trên cho thấy, đối tượng thực hiện hành vi phá rừng nhưng rất xem thường pháp luật. Liên quan đến vụ phá rừng  này, Báo Bình Thuận đã có các bài phản ánh. Nhận thông tin, lãnh đạo huyện Hàm Thuận Nam đã khẩn trương đến hiện trường kiểm tra. Đồng thời khẳng định sẽ xử lý nghiêm đối tượng, xem xét xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan; khi xác định được người có hành vi tác động vào rừng sẽ yêu cầu đối tượng nhanh chóng khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng ban đầu trên đất rừng, trồng lại cây trong rừng trên diện tích bị san ủi.  

Ngày 29/10, sau khi vào cuộc kiểm tra, bước đầu Chi cục Kiểm lâm tỉnh xác định tổng diện tích đất bị đối tượng san ủi là 1.270 m2, trong đó có 592 m2 là rừng sản xuất, thuộc tiểu khu 296C do Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú quản lý; 678 m2 là đất không được quy hoạch sử dụng cho mục đích lâm nghiệp, nhưng tại đây có cây rừng trồng (phần lớn là cây keo lá tràm tái sinh) và một số cây rừng tự nhiên, do UBND xã Thuận Quý quản lý. Qua kiểm đếm, có 105 cây bị cưa hạ, san ủi trốc gốc; cụ thể, 43 cây có đường kính từ 6 - 19 cm, 62 cây đường kính nhỏ hơn 6 cm. Bước đầu, ngành chức năng cũng xác định Nguyễn Văn Mon (SN 1996), ngụ thôn Thuận Thành, xã Thuận Quý đã thuê Cao Thanh Sơn – người cùng địa phương tiến hành san ủi đất rừng. Hiện, vụ việc đang được các cơ quan chức năng của huyện Hàm Thuận Nam củng cố hồ sơ để xử lý các đối tượng liên quan theo quy định. Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đề nghị UBND huyện Hàm Thuận Nam chỉ đạo Công an huyện cùng vào cuộc điều tra làm rõ, nếu đủ căn cứ sẽ xử lý hình sự.

Rõ ràng, hành vi cưa hạ cây không thể diễn ra trong im lặng, việc đưa xe cơ giới vào rừng san ủi càng không khó để phát hiện, nhưng vì sao vụ việc chậm phát hiện, thậm chí đối tượng còn đem đá 4x6, 5x10 đổ lên trên con đường vừa được san ủi? Phải chăng năng lực, trách nhiệm của lực lượng bảo vệ rừng tại đây chưa đảm bảo để thực hiện nhiệm vụ? Có thể khẳng định, để xảy ra vụ phá rừng thì cán bộ phụ trách địa bàn, lĩnh vực phải chịu trách nhiệm. Tại buổi làm việc với Chi cục Kiểm lâm tỉnh, UBND huyện Hàm Thuận Nam và các ngành, đơn vị liên quan diễn ra ngày 29/10, ông Nguyễn Văn Minh – Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú và ông Trần Văn Huyên - Trạm trưởng Trạm Hàm Minh – Thuận Quý đã nhận trách nhiệm về mình vì đã thiếu sót, nắm tình hình chưa kịp thời.

Tuy nhiên, bên cạnh một số hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú nói riêng, toàn tỉnh nói chung thì phương tiện, nhân lực phục vụ tại nhiều nơi hiện vẫn chưa đáp ứng yêu cầu và quy định. Đơn cử, Trạm Hàm Minh – Thuận Quý được giao quản lý, bảo vệ 3.800 ha rừng. Theo quy định, trạm phải được bố trí ít nhất 7 người để làm nhiệm vụ, nhưng thực tế hiện nay trạm này chỉ có 2 người, trong đó có 1 người là nhân viên hợp đồng. Do đó, việc nắm thông tin tình hình, công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng tại đây gặp rất nhiều khó khăn. Mong rằng, những hạn chế, khó khăn trên sớm được khắc phục, tháo gỡ để lực lượng bảo vệ rừng tỉnh nhà yên tâm làm việc, để cùng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

HỮU PHÚC



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cân đối nguồn nước để sản xuất vụ hè thu thuận lợi
Sau khi các địa phương cơ bản kết thúc vụ đông xuân, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu năm 2024 chặt chẽ, với khung thời vụ gieo trồng từ nay đến giữa tháng 6. Hiện Bình Thuận đang đứng trước thực trạng thiếu hụt nguồn nước do hạn hán, vì vậy các địa phương cần nắm chắc diễn biến thời tiết, nguồn nước để có phương án bố trí sản xuất.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thấy gì qua vụ phá rừng tại Hàm Thuận Nam?