Theo dõi trên

Thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý

16/10/2018, 09:09 - Lượt đọc: 54

BT- Tuyển chọn công chức, nhất là công chức lãnh đạo quản lý là khâu đầu tiên và rất quan trọng trong quá trình quản lý công chức, mang tính quyết định đối với sự phát triển của nền hành chính nhà nước nói chung và của từng địa phương, cơ quan, đơn vị nói riêng. Việc đổi mới phương thức tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý bằng hình thức thi tuyển là hướng đi tất yếu theo chủ trương của Bộ Chính trị và Ban Bí thư nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý; tránh tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, góp phần lựa chọn được những người “có đức, có tài” bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo trong nền công vụ, phòng chống được tiêu cực mà dư luận lo ngại lâu nay về "chạy chức chạy quyền" hay “sống lâu lên lão làng”…

Thấy được những ưu việt của hình thức thi tuyển, nhiều năm trước, một số bộ ngành, địa phương đã thực hiện, mà đi đầu là Bộ Giao thông Vận tải và tỉnh Quảng Ninh. Từ tháng 5/2017, Bộ Nội vụ đã có hướng dẫn thực hiện đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng; theo đó 14 bộ, cơ quan ngang bộ và 22 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm. Ngoài ra, khuyến khích mở rộng thêm ở các bộ ngành, tỉnh thành khác nếu có đủ điều kiện. Qua thí điểm, nhiều địa phương như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Long An, Bình Dương… đã tổ chức thi tuyển một cách nghiêm túc, tích cực, công khai, chặt chẽ, đúng quy trình đối với một số chức danh lãnh đạo cấp sở, cấp phòng. Ở Bình Thuận, được biết hiện nay Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã có tờ trình và Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xem xét cho ý kiến để lãnh đạo UBND tỉnh tiếp thu, hoàn chỉnh đề án thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý tại tỉnh Bình Thuận để triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Công tác thi tuyển các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong thời gian qua ở một số bộ, ngành, địa phương đã góp phần tạo động lực, khích lệ ý chí phấn đấu, phát triển nghề nghiệp của mỗi công chức; góp phần phát huy phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tạo bước đột phá trong công tác cán bộ. Thi tuyển cạnh tranh cũng giúp hạn chế được tình trạng tiêu cực trong công tác quy hoạch tại nhiều địa phương, đơn vị, đặc biệt là tình trạng cục bộ địa phương, bè phái trong công tác tổ chức cán bộ. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia mặc dù thi tuyển cạnh tranh hạn chế được những khuyết điểm của công tác quy hoạch cán bộ theo cơ chế truyền thống, nhưng tiềm ẩn nguy cơ lấn át và làm lu mờ những ưu điểm của công tác quy hoạch. Vì quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý là chủ trương quan trọng của Đảng nhằm phát hiện sớm nguồn cán bộ trẻ có phẩm chất, năng lực để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn các chức danh lãnh đạo, quản lý của từng địa phương, đơn vị cả về trước mắt lẫn lâu dài. Khi thi tuyển trở thành hình thức tuyển chọn chính thức mà chỉ thấy những lợi ích trước mắt dễ dẫn đến lạm dụng quá mức, sẽ gây bất lợi cho công tác quy hoạch cán bộ. Do đó cần có giải pháp kết hợp chặt chẽ, hợp lý giữa quy hoạch và thi tuyển cạnh tranh, nhằm phát huy tối đa hiệu quả công tác thi tuyển, bổ nhiệm cán bộ.

Mặt khác cần làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền một cách sâu rộng để xóa bỏ tâm lý e ngại khi tham gia thi tuyển. Có thể mở rộng điều kiện thi tuyển cho những đối tượng trong “khu vực tư” có kinh nghiệm quản lý tham gia thi tuyển vào các vị trí quản lý tương ứng. Bên cạnh đó, cần xem xét thành lập những hội đồng đánh giá thi tuyển độc lập trong công tác tổ chức thi tuyển chức danh công chức lãnh đạo, quản lý  để tăng cường hơn nữa tính công bằng, khách quan, minh bạch trong quá trình thi tuyển. Có kế hoạch, chính sách về sử dụng, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý sau khi trúng tuyển, đặc biệt  đối với những công chức trẻ, là người trước đây không công tác ở cơ quan, đơn vị hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác chuyên môn.

Hy vọng với việc thí điểm và đi đến mở rộng việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng, sở trong thời gian tới sẽ tạo sự đột phá trong công tác cán bộ của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức nói chung, đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý nói riêng, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.

Thế Nam



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý