Theo dõi trên

Thừa điện, thiếu nước 

20/11/2019, 09:30 - Lượt đọc: 18

BT- Trong khi hồ Đại Ninh (Đức Trọng – Lâm Đồng) có tổng lượng nước chỉ chiếm 32,88% dung tích hữu ích thiết kế, tính đến giữa tháng 10/2019 thì thủy điện Đại Ninh chạy máy phát điện xả nước về hạ du, tức vùng Bắc Bình vượt kế hoạch mà Bình Thuận đã đăng ký với nhà máy là 6m3/s đến 5 lần, tức 31m3/s. Lý do được biết sau đó là vì  trong hệ thống thiếu điện nên thủy điện Đại Ninh được huy động phát tăng công suất. Trong tình huống dự báo thiếu nước sản xuất vụ đông xuân tới với tình hình đang thiếu điện hiện tại, việc làm của thủy điện Đại Ninh có thể hiểu giải quyết bức xúc trước mắt. Tuy nhiên, điều đó đặt trong bối cảnh tại Bình Thuận, cụ thể tại Tuy Phong, nơi có hơn chục nhà máy điện gió, điện mặt trời đang giảm phát công suất từng ngày vì quá tải đường dây truyền tải thì mâu thuẫn đối kháng thừa, thiếu điện đã ít nhiều tác động đến tình hình phát triển kinh tế tại tỉnh.

Vì không bao lâu nữa, vụ đông xuân tới, vùng Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc sẽ có thể bị cắt giảm nhiều diện tích sản xuất, vì hồ Đại Ninh hiện chỉ có hơn 82 triệu m3 nước, còn thiếu 170m3 nước nữa mới đầy hồ để nhà máy thủy điện Đại Ninh làm nhiệm vụ phát điện kiêm xả nước cho hạ du sản xuất. Có nghĩa, nơi đây rồi sẽ thiếu nước sản xuất, nhà máy này rồi sẽ thiếu điện. Trong khi đó, ở Tuy Phong, chuyện thừa điện mà có người ví như nhà nông trồng dưa hấu quá lố diện tích so với nhu cầu thị trường, đã xảy ra phổ biến sau 30/6/2019 vẫn chưa giải quyết rốt ráo tính đến thời điểm này. Sau khi thay đường dây có tiết diện lớn hơn vào tháng 9, các nhà máy điện mặt trời, điện gió ở đây vẫn còn bị thất thoát khoảng 1.000MW/ngày với số tiền mất tương ứng 2,156 tỷ đồng. Tính ra 1 tháng, các nhà máy điện mất 66 tỷ đồng, từ đó làm thất thu thuế cho tỉnh khoảng 6,6 tỷ đồng. Vậy 1 năm sẽ là con số khủng. Đó là lý do Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Bình Thuận đang triển khai thủ tục để xây dựng đường dây truyền tải 110kV mới với hy vọng sẽ giải tỏa hết công suất phát điện của các nhà máy trên địa bàn. Nhưng điều đáng nói là đường dây này có hoàn thành trong năm 2020 không, năm mà ngành điện cảnh báo nhiều về thiếu hụt điện theo hướng ngày càng trầm trọng, nhất là tại khu vực miền Nam. Rằng nguồn cung về khí thiên nhiên hóa lỏng để tạo điện hiện đã giảm do dự trữ khí trong nước giảm và do việc chậm triển khai các mỏ khí mới. Rằng các hồ chứa đang đối mặt với khô hạn, khả năng thiếu hụt đến 13,7 tỷ m3 nước, có nghĩa thủy điện sẽ mất một sản lượng điện đến 6,4 tỷ kWh. Còn các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời tập trung ở vùng Bình Thuận, Ninh Thuận thì đang đối mặt với tình cảnh quá tải đường dây. Toàn trở ngại nhưng trong đó chỉ có trở ngại về hệ thống truyền tải đối với các dự án năng lượng tái tạo là có thể khắc phục được trong thời gian ngắn, nếu nỗ lực và không cần lắm tiền, mất thời gian như việc xây dựng nhà máy điện khí hóa lỏng. Còn trông mưa để các hồ nhiều nước cho các nhà máy thủy điện phát điện là điều không thể.  

Trước mắt tại tỉnh đã thấy, thủy điện Đại Ninh, thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi liên quan đến nguồn nước sản xuất ở 4 huyện trong tỉnh vừa mất một lượng lớn điện lại không có nước xả cho hạ du sản xuất. Người dân 4 huyện: Tánh Linh, Đức Linh, Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc vì thiếu nước, phải ngưng sản xuất, nhiều gia đình nghèo sẽ bị đói giáp hạt. Trong khi đó, các dự án năng lượng tái tạo, tập trung tại Tuy Phong lại dư điện, vì phát không hết công suất có thể kéo dài hết năm 2020 sẽ đứng trước nguy cơ nợ nần tăng cao, có nhà máy có thể phá sản. Mâu thuẫn thừa điện, thiếu nước khiến ai quan tâm phải bức xúc, mong đường dây 110kV mới khắc phục chuyện thừa điện để Bình Thuận chỉ mang tiếng thiếu nước mùa khô hạn như bao đời nay đã là mừng.

Bích NghỊ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thừa điện, thiếu nước