Theo dõi trên

Thúc đẩy quản trị và hành chính công

27/06/2016, 09:04

BT- Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI), là công cụ phản ánh tiếng nói người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. PAPI góp phần xây dựng một nền công vụ vì dân và thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) là kết quả của công trình nghiên cứu chung giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở các cấp từ trung ương đến địa phương, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.

Theo kết quả báo cáo và dữ liệu PAPI, thì Chỉ số PAPI của Bình Thuận năm 2015 đạt 34,66 điểm, xếp thứ 41/63 tỉnh thành, giảm 1,8 điểm và giảm 9 bậc so với năm 2014 và nằm trong nhóm tỉnh có điểm trung bình thấp. Nếu xét theo từng chỉ số nội dung, thì Bình Thuận không có chỉ số nào thuộc vào nhóm cao nhất. Chỉ có 2 nội dung: Thủ tục hành chính công và Cung ứng dịch vụ công cấp tỉnh đạt nhóm trung bình cao. Có 4 nội dung đạt nhóm trung bình thấp là: Sự tham gia của người dân ở cơ sở; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và Hiệu quả quản trị hành chính công. Riêng chỉ số nội dung Công khai minh bạch xếp nhóm thấp nhất.

 Chỉ số PAPI không thể nói lên tất cả nhưng cũng phần nào phản ánh được hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh. Điều này ít nhiều cũng cho thấy những mặt tồn tại trong quá trình cải cách thủ tục hành chính cũng như cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Hiện nay, sau cuộc bầu cử HĐND các cấp, tỉnh và các địa phương đang tiến hành củng cố bộ máy lãnh đạo chính quyền, Báo cáo PAPI năm 2015 sẽ cung cấp nguồn dữ liệu, thông tin như một tấm gương phản chiếu để bộ máy chính quyền các cấp nhiệm kỳ mới của tỉnh nhìn lại hiệu quả cải cách quản trị và hành chính công của địa phương, từ đó có những phương hướng, biện pháp để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng cung ứng dịch vụ công của mình.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã yêu cầu thủ trưởng các cơ quan đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm thông báo kết quả chỉ số PAPI năm 2015 của tỉnh đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân được biết; đồng thời căn cứ kết quả chỉ số PAPI tiến hành kiểm tra rà soát, đối chiếu theo 6 chỉ số nội dung, chỉ số nội dung thành phần, chỉ tiêu chính bị giảm điểm, thứ hạng để xác định nguyên nhân hạn chế, yếu kém thuộc phạm vi, lĩnh vực, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị và địa phương mình; từ đó xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp cụ thể khắc phục hạn chế yếu kém, nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI của tỉnh trong năm 2016 và những năm tiếp theo.

Người đứng đầu các cơ quan đơn vị, địa phương có trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt việc công khai minh bạch (đây là đang là khâu yếu nhất của tỉnh ta hiện nay) trong hoạt động cơ quan; tăng cường kiểm tra giám sát nhằm ngăn ngừa các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trong đó giải quyết tốt các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân như đất đai, cấp phép xây dựng, các thủ tục hành chính cấp xã; tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức trong khâu hướng dẫn, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ. Thực hiện việc xin lỗi tổ chức, cá nhân đối với các trường hợp trễ hẹn trong giải quyết các thủ tục hành chính. Tăng cường quản lý về an ninh trật tự, đẩy mạnh truy quét, trấn áp tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tạo niềm tin và sự hài lòng của người dân đối với chính quyền, nhất là cơ sở.

Hồng Lê



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thúc đẩy quản trị và hành chính công