Theo dõi trên

“Thuốc đắng dã tật”

04/12/2020, 09:50 - Lượt đọc: 90

BT- Theo Nghị định 119/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2020, mức phạt đối với hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên báo chí tăng rất mạnh. Cụ thể: nếu gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng, phạt từ 5 - 10 triệu đồng (trước đây từ 1 - 3 triệu đồng); nếu gây ảnh hưởng nghiêm trọng, phạt từ 50 - 70 triệu đồng (trước đây từ 5 -10 triệu đồng); nếu gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng, phạt từ 70 - 100 triệu đồng (trước đây từ 20 - 30 triệu đồng).

Ngoài ra, trong cả 3 trường hợp trên, báo chí đều phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật đã đăng tải, buộc phải cải chính, xin lỗi. Riêng trường hợp đưa tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng, báo chí còn bị đình chỉ hoạt động từ 1 - 12 tháng (trước đây từ 1 - 3 tháng).

Việc xử phạt báo chí đưa tin sai sự thật không chỉ có ở Việt Nam, tại các quốc gia trên thế giới việc đưa tin thiếu chính xác, sai sự thật đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật. Tại Việt Nam, Luật Báo chí năm 2016 yêu cầu báo chí phải đưa tin trung thực, điều 9 của luật nghiêm cấm việc đăng tải thông tin sai sự thật, xuyên tạc, gây hoang mang trong nhân dân...

Báo chí Việt Nam những năm qua đã có sự phát triển mạnh mẽ, đồng hành cùng với công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Tuy nhiên bên cạnh “dòng chảy” chủ lưu ấy, đã có một số tờ báo buông lỏng công tác quản lý, giáo dục đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cẩu thả, thiếu nghiêm túc trong quy trình duyệt tin, thậm chí khai thác thông tin thất thiệt trên mạng xã hội mà không thẩm định, xác minh, dẫn đến đưa tin sai sự thật. Nhiều nhà báo vi phạm nghiêm trọng Luật Báo chí và đạo đức nghề nghiệp, đưa tin giật gân, câu khách, vì động cơ vụ lợi, đã bị thu hồi thẻ nhà báo. Nhiều cơ quan báo chí bị xử phạt vì thông tin sai sự thật, thậm chí bị đình chỉ xuất bản, thu hồi giấy phép hoạt động. Số lượng cơ quan báo chí và nhà báo bị xử lý vì thông tin sai sự thật trong thời gian qua là đáng báo động. Đặc biệt những thông tin sai sự thật từ báo chí được mạng xã hội phát tán, lan truyền nhanh chóng, rộng khắp nên tác hại càng lớn.

Nguy hiểm hơn là tình trạng báo chí cấu kết với doanh nghiệp, đưa ra nhiều thông tin không đúng sự thật phục vụ cho việc cạnh tranh không lành mạnh, gây hại cho xã hội. Vụ đưa tin về nước mắm nhiễm thạch tín “vượt ngưỡng cho phép” là một ví dụ, hậu quả làm dư luận xã hội hết sức hoang mang, các sản phẩm nước mắm truyền thống bị người tiêu dùng tẩy chay, các vùng - miền làm nước mắm truyền thống lao đao. Đã có tới 50 cơ quan báo chí bị xử phạt trong vụ này, trong đó có những tờ báo, nhà báo bị xử phạt rất nặng. “Con sâu làm rầu nồi canh”, những thông tin không đúng sự thật, thiếu trung thực, phiến diện một chiều, thậm chí xuyên tạc, bóp méo trên các phương tiện truyền thông, khiến lòng tin của công chúng vào báo chí bị giảm sút.

Không chỉ tăng mức phạt đối với báo chí đưa tin sai sự thật, Nghị định 15/2020/ NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2020 cũng quy định xử phạt nghiêm khắc với việc tung tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội (có thể bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng). Ở Việt Nam chỉ trong năm nay đã có hàng trăm trường hợp bị xử phạt hành chính vì tung tin giả về dịch Covid-19 trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận, trong đó có cả những người nổi tiếng, nghệ sĩ.

Hy vọng Nghị định 119 với mức xử phạt tăng mạnh đối với hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên báo chí, sẽ là “thuốc đắng dã tật”, loại trừ những “con sâu làm rầu nồi canh”, giúp báo chí lấy lại niềm tin từ nhân dân. Các cơ quan báo chí một mặt phải đầu tư bồi dưỡng, nâng cao đạo đức nghề nghiệp và năng lực chuyên môn cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, đồng thời tăng cường công tác quản lý, biên tập, xét duyệt thông tin nghiêm túc trước khi đăng tải.

               Khôi Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Thuốc đắng dã tật”