Theo dõi trên

Tiếp cận vắc xin ngừa SARS-CoV-2

10/03/2021, 08:47

BT- Sau khi Bộ Y tế xây dựng kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng Covid-19 giai đoạn 2021 - 2022 do tổ chức COVAX Facility (Giải pháp tiếp cận vắc xin ngừa Covid-19 toàn cầu) hỗ trợ. Những mũi tiêm vắc xin đầu tiên ở nước ta đã được nhiều tỉnh, thành triển khai trong ngày 8/3 vừa rồi.

Theo đó, 11 nhóm đối tượng tiêm vắc xin Covid-19 được sắp xếp theo mức độ ưu tiên từng tình huống dịch và trong bối cảnh nguồn vắc xin cung cấp hạn chế tại Việt Nam. Đây chính là biện pháp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương thực hiện trong tháng 2 vừa qua.

Ngay trong sáng 8/3, các phương tiện truyền thông đồng loạt đưa tin về việc tiêm vắc xin cho các nhóm đối tượng. Trong ngày đầu tiên tiêm vắc xin tất cả đều diễn ra suôn sẻ, chưa có bất cứ thông tin trở ngại nào, và cảm nhận của người được tiêm rất hồ hởi, phấn khởi. Giữa bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra toàn cầu, nhu cầu sử dụng vắc xin của các quốc gia rất lớn để bảo vệ người dân trước đại dịch. Tuy nhiên, Bộ Y tế cho biết chỉ chọn mua các vắc xin an toàn, có hiệu lực bảo vệ cao, được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định, đã được phê chuẩn bởi một cơ quan quản lý dược nghiêm ngặt (SRA), giá phù hợp.

Việt Nam ưu tiên sử dụng vắc xin đáp ứng các tiêu chí: Tính an toàn và hiệu lực bảo vệ cao, được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành hoặc giấy phép nhập khẩu; điều kiện bảo quản từ 2 - 8°C. Theo kế hoạch, việc tiêm này để đảm bảo miễn dịch cộng đồng, Việt Nam hướng tới mục tiêu 80% dân số được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Tuy nhiên, căn cứ nguồn cung ứng vắc xin hiện nay, mục tiêu trong giai đoạn 2021-2022 là bảo đảm khoảng 20% dân số cả nước được tiêm vắc xin phòng Covid-19 khi có đủ nguồn vắc xin; 95% đối tượng nguy cơ được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Việc tiếp nhận, cung ứng kịp thời và tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng được Bộ Y tế tính toán theo tình hình dịch.

Bình Thuận đã trải qua 361 ngày không nhiễm mới ca SARS-CoV-2 nào kể từ tháng 3/2020. Đây là sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế trong phòng chống dịch Covid-19. Tuy chưa thuộc diện những tỉnh, thành có dịch phải ưu tiên tiêm vắc xin, nhưng nhu cầu của người dân Bình Thuận muốn tiêm vắc xin phòng bệnh là có. Những thông tin trao đổi sau các cuộc họp ở các địa phương mà chúng tôi nắm được, hầu hết lãnh đạo nào cũng mong muốn có đủ vắc xin để tiêm ngừa cho dân. Tuy vậy, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào việc cung cấp của nhà sản xuất, khi chưa đủ nguồn cung thì ý thức phòng chống bệnh là liều “vắc xin” tốt nhất cho mọi người là thông điệp 5K.

Chương trình COVAX Facility do GAVI, WHO sáng lập để cung cấp vắc xin Covid-19 cho 190 quốc gia. Việt Nam là một trong số các quốc gia thành viên của Chương trình và được hỗ trợ vắc xin. GAVI và COVAX Facility dự kiến hỗ trợ toàn bộ vắc xin cho khoảng 20% dân số của các quốc gia. Tuy nhiên, trên cơ sở ước tính hiện tại, chương trình sẽ cung cấp vắc xin và vật tư tiêm chủng miễn phí để tiêm cho khoảng 15-16% dân số của 92 quốc gia trong đó có Việt Nam.

Trước đó, tại hội nghị trực tuyến với các địa phương về công tác phòng chống dịch Covid-19, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin trong năm 2021 để đảm bảo tiêm đủ cho người dân, Việt Nam cần 150 triệu liều. Bộ Y tế đã đàm phán với chương trình COVAX Facility cam kết cung cấp cho Việt Nam 30 triệu liều trong năm 2021, chủ yếu dành cho 6 tháng cuối năm. Ngoài ra, Công ty AstraZeneca cũng cam kết cung cấp 30 triệu liều. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: Năm 2021 chúng ta có 60 triệu liều vắc xin, bộ đang tích cực đàm phán với các công ty khác, một số nước khác để có thêm vắc xin. Tinh thần chung là thực hiện quyết liệt theo chỉ đạo để có vắc xin cho người dân, để đảm bảo hiệu quả trong phòng chống dịch.

Hiện nay, trước diễn biến phức tạp của dịch, cơ chế cấp phép nhập khẩu vắc xin hiện thực hiện theo cơ chế khẩn cấp. Trong 5 ngày, Bộ Y tế sẽ phải thực hiện tất cả các quy trình về rà soát hồ sơ, dữ liệu về lâm sàng, chất lượng vắc xin để cấp phép sớm. Được biết hiện Việt Nam có 4 nhà sản xuất vắc xin Covid-19 là Viện vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) và Công ty TNHH MTV vắc xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất vắc xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC), Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược NANOGEN đang nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng Covid-19.

4 vắc xin đều sản xuất theo công nghệ protein tái tổ hợp; 2 nhà sản xuất vắc xin tại Việt Nam đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng. Nếu thử nghiệm thành công thì dự kiến quý 2/2022, vắc xin Covid-19 do Việt Nam sản xuất có thể đưa ra thị trường trong nước. Khi ấy người dân Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp cận nhanh chóng với vắc xin của nước mình để phòng chống dịch bệnh.

Như Nguyễn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiếp cận vắc xin ngừa SARS-CoV-2