Theo dõi trên

Tiếp tục tháo gỡ “điểm nghẽn” quy hoạch

13/11/2020, 07:44

BT- Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 14 đang diễn ra, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ TN-MT sớm hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng ban hành quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng titan và khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, mở đường cho Bình Thuận sớm triển khai các dự án lớn phát triển kinh tế - xã hội.

Đây không phải là lần đầu tiên mà trong suốt nhiệm kỳ 5 năm qua lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đoàn đại biểu Quốc hội đã rất nhiều lần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch này, đưa một số khu vực ven biển có thế mạnh phát triển du lịch ra khỏi quy hoạch khu vực dự trữ quặng titan. Rất nhiều nỗ lực đã tiến hành bằng nhiều hình thức: Qua công văn kiến nghị, chất vấn trực tiếp tại Quốc hội, trực tiếp làm việc với Thủ tướng và các bộ ngành tại Hà Nội, hoặc nhân dịp những lần lãnh đạo Chính phủ về làm việc với tỉnh Bình Thuận... nhưng đến nay “điểm nghẽn” này vẫn chưa được giải quyết.

Bình Thuận có trữ lượng ước tính trên 599 triệu tấn quặng titan, chiếm 92% tổng trữ lượng quặng titan của cả nước (tỉnh Bình Thuận đã được quy hoạch đến năm 2030 trở thành trung tâm công nghiệp khai thác, chế biến quặng titan với quy mô lớn), tổng diện tích quy hoạch và dự trữ titan trên 100.000 ha, phần lớn nằm ven biển chồng lấn với các dự án du lịch, điện gió, điện mặt trời. Suốt nhiệm kỳ qua, hầu hết dự án lớn trên mặt chồng lấn với quy hoạch titan đều phải dừng lại không triển khai được (hơn 50 dự án), lãng phí rất lớn cơ hội thu hút đầu tư phát triển của tỉnh Bình Thuận.

Lãnh đạo nhiều bộ - ngành Trung ương cũng ủng hộ Bình Thuận và cho rằng: hiện khai thác titan không hiệu quả, giá rất thấp do chủ yếu xuất thô sang Trung Quốc, các dự án khai thác titan đều đã ngừng hoạt động, cần đưa các mỏ titan chưa khai thác ấy vào dự trữ quốc gia, “để dành” nguồn tài nguyên quý hiếm này cho con cháu (titan và các hợp kim từ titan được dùng chủ yếu trong công nghiệp hàng không vũ trụ, luyện kim, chế tạo máy, hóa chất, xây dựng), để sử dụng diện tích ven biển ấy vào mục đích khác như làm du lịch, điện gió, điện mặt trời trong thời hạn nhất định từ 30-50 năm, thì hiệu quả kinh tế lớn hơn nhiều so với khai thác titan...

Mũi Né của Bình Thuận đã là một khu du lịch quốc gia, 2 năm nữa Bình Thuận có đường cao tốc, sân bay Phan Thiết sắp sửa khởi công lại... dư luận lạc quan vì “điểm nghẽn” lớn nhất của Bình Thuận là hạ tầng giao thông đang được khơi thông. Nhưng muốn đón được dòng vốn đầu tư vào du lịch, năng lượng tái tạo sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc, Bình Thuận sẽ ưu tiên hàng đầu cho tháo gỡ “điểm nghẽn” quy hoạch trên. Đó cũng là những ngành kinh tế trụ cột của Bình Thuận trong 5 năm tới và xa hơn nữa.

ĐẶng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiếp tục tháo gỡ “điểm nghẽn” quy hoạch