Theo dõi trên

Tiêu chí  “leo dốc”

06/06/2019, 10:14 - Lượt đọc: 73

BT- Thời gian TP.Phan Thiết sốt đất, bỗng nhiên xuất hiện một dịch vụ rất lạ, dịch vụ kiểm tra quy hoạch với giá giao dịch 2 triệu đồng/lần trọn gói. Nhà đầu tư hay bất cứ ai muốn mua một mảnh đất cũng cần những thông tin liên quan đến quy hoạch như mảnh đất có nằm trong quy hoạch phù hợp để sử dụng sau này hay không, có chồng lấn với quy hoạch khác không… nói chung là những gì về mặt pháp lý liên quan đến mảnh đất. Vẫn biết giá 2 triệu đồng cho một lần “test” ấy là quá cao, quá vô lý nhưng nếu so sánh với con số nhiều tỷ đồng để mua mảnh đất trên thì lại là quá nhỏ. Hơn nữa, chính 2 triệu đồng ấy giữ sự chắc chắn không mất của nhiều tỷ đồng, mua sự yên tâm, bảo đảm về sau. Vì thế, dịch vụ này nở rộ chưa từng thấy. Để nâng cao chất lượng dịch vụ phù hợp với những nhà đầu tư có tham vọng mua những mảnh đất lớn từ góp nhặt liên kết các mảnh đất nhỏ, chủ dịch vụ tô cùng màu những mảnh...

Đây là 1 trong nhiều trường hợp tương tự, mà các doanh nghiệp phản ánh là để có được những tài liệu, những thông tin liên quan đến vùng dự án, bắt buộc phải tạo ra “mối quan hệ” mới có thể có được. Trong khi, những thông tin, tài liệu trên đáng lý ra phải công khai trên các website của tỉnh, để doanh nghiệp nào quan tâm đến Bình Thuận là có thể ngồi một chỗ lướt web và tìm ra được những gì mà nhu cầu cần có. Vì thế, chính tình trạng này đã ảnh hưởng mạnh đến tiêu chí Tính minh bạch và tiếp cận thông tin trong Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh(PCI) năm 2018 của Bình Thuận. Trong khi tại Bảng xếp hạng chỉ số PCI năm 2018, Bình Thuận đứng thứ 22/63 tỉnh, thành phố với 64 điểm, tăng 2 bậc so năm ngoái thì tiêu chí này giảm đến 34 bậc, lui về vị trí thứ 57. Nếu so với năm 2017, đây là sự tụt dốc đáng ngại, thể hiện qua những con số đánh giá của doanh nghiệp. Cụ thể, có 81% doanh nghiệp khẳng định cần phải có “mối quan hệ” mới có được tài liệu của tỉnh; 75% doanh nghiệp cho rằng tài liệu về ngân sách đủ chi tiết để doanh nghiệp sử dụng cho hoạt động kinh doanh; 78% doanh nghiệp cho biết nhận được thông báo, văn bản sau khi đề nghị cơ quan nhà nước của tỉnh cung cấp; 65% doanh nghiệp đã tiếp cận với các website của tỉnh…Hầu như những nội dung trên đều thấp so năm ngoái với mức từ 10%-20% khiến tiêu chí này giảm mạnh về thứ bậc cũng như điểm số mà như báo cáo của tỉnh công khai sự thật đáng suy ngẫm là điều đó “đưa Bình Thuận nằm trong nhóm 15 tỉnh có chỉ số minh bạch thấp nhất cả nước”.

Điểm yếu nhất đã phơi bày, tất nhiên phải tìm cách khắc phục. Hàng loạt giải pháp chính thức lẫn liên quan đã được vạch ra để tạo lập một môi trường kinh doanh thuận lợi, công bằng và minh bạch. Tất cả cũng chỉ gói trong từ kịp thời. Các sở, ngành, địa phương kịp thời công bố Bộ Thủ tục hành chính, công bố kịp thời quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chính sách hỗ trợ của Nhà nước trên cổng thông tin điện tử… Từ “Minh bạch” vốn dĩ mang yếu tố định tính nhưng trong hoàn cảnh này đã mang tính định lượng như đường lên đỉnh dốc. Ai đó cho rằng đây là tiêu chí leo dốc, việc tụt dốc quá dễ mà leo dốc thì quá khó. Nhưng nếu đã lên đỉnh rồi thì chuyện môi trường đầu tư được đánh giá 100% đã cải thiện.

BÍCH NGHỊ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiêu chí  “leo dốc”