Theo dõi trên

Trăm sự nhờ… luật

18/03/2016, 08:22

BT- Dư luận đang hết sức nhức nhối trước tình trạng thực phẩm bẩn ngày càng gia tăng trên thị trường và đặt câu hỏi: Phải chăng chế tài xử phạt chưa đủ mạnh.

Rõ ràng liên tiếp các vụ vi phạm VSATTP như: Sử dụng Formol trong bánh phở, sử dụng hàn the trong giò chả, dùng phân urê ướp cá biển, làm nước mắm, đưa các chất cấm vào chăn nuôi, trồng trọt… song hầu hết đối tượng thực hiện hành vi “đầu độc” người tiêu dùng này không bị truy tố, xử lý hình sự.

Ngay ở Bình Thuận đã xảy ra hàng loạt vụ như: Sử dụng hóa chất độc hại để làm giá đỗ, dùng chất tẩy rửa công nghiệp và hóa chất sản xuất măng chua, dùng axit fotforic sản xuất đường cát vàng… Nhưng tất cả đối tượng này chỉ bị xử lý hành chính, phạt tiền, cơ quan chức năng không xử lý hình sự được.

Vì theo Bộ luật Hình sự năm 1999 tại điều 244 quy định tội vi phạm VSATTP như sau: Chỉ cấu thành tội phạm khi hành vi vi phạm VSATTP gây thiệt hại về tính mạng, hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe người tiêu dùng.

Theo giải thích của các cơ quan pháp luật, nghĩa là hành vi đó phải gây chết người hoặc gây ngộ độc hàng loạt.

Từ trước đến nay, hiếm hoi lắm mới có vụ bị xử lý hình sự vì gây ngộ độc chết người, như vụ rượu nếp 29 Hà Nội làm chết 6 người (tháng 12/2013). Công an đã bắt giám đốc và 2 nhân viên của công ty này.

Nhưng theo cơ quan y tế thì nếu ăn uống các hóa chất độc hại trên, tuy không chết ngay lập tức, song nó tích lũy, tồn dư lại trong cơ thể một thời gian dài và gây bệnh ung thư. Mà mắc bệnh ung thư thì gần như cầm chắc án tử.

Chúng ta đã biết: Mỗi năm Việt Nam có khoảng 110.000 người mắc ung thư mới, 75% trong số đó tử vong, nguyên nhân là do môi trường ô nhiễm và thực phẩm bẩn, nhiễm hóa chất.

Còn yếu tố “gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng” thì lại càng khó xác định và chứng minh hơn, gần như bất khả thi.

Chính vì “lỗ hổng” lớn này của Luật Hình sự nên các cá nhân – tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn vẫn ngang nhiên hoạt động, mà không hề sợ bị pháp luật trừng phạt thích đáng.

Hàng chục năm trước, dư luận và báo chí đã đề nghị sửa luật để ngăn chặn thực phẩm bẩn tràn vào mâm cơm của người Việt. Cho đến ngày 27/11/2015, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật Hình sự (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Trong đó tại điều 317 quy định cụ thể về “tội vi phạm quy định về VSATTP”. Theo đó chỉ cần có hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm, sẽ đều bị xử lý hình sự, với hình phạt cao nhất tới 20 năm tù mà không cần phải có hậu quả xảy ra như chết người, hay gây tổn hại nghiêm trọng sức khỏe người tiêu dùng.

Điều thay đổi này sẽ giúp cơ quan chức năng dễ dàng xử lý hình sự và răn đe các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, có hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Cũng theo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) thì hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm sẽ bị phạt tù ít nhất 2 – 5 năm, thậm chí có thể chịu mức án tù cao nhất là chung thân.

“Đưa hóa chất độc hại vào thực phẩm là tội ác, phải xử lý như tội ác, chứ không thể xử lý như vi phạm thông thường được” – Bộ trưởng Nông nghiệp – PTNT Cao Đức Phát đã nói rất đúng điều mà hơn 90 triệu dân Việt Nam đang nghĩ.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trăm sự nhờ… luật